Australia, New Zealand thảo luận về chiến dịch quân sự của Israel ở Rafah
VOV.VN - Việc Israel mở chiến dịch đưa quân vào Rafah để loại bỏ lực lượng Hamas khiến dư luận thế giới lo ngại về thảm kịch nhân đạo có thể sẽ tiếp tục lan rộng tại khu vực này. Ngoại trưởng Australia ngày 7/5 đã điện đàm với Ngoại trưởng New Zealand để thảo luận về tình hình này.
Truyền thông Australia cho biết, vào tối 7/5, Ngoại trưởng Penny Wong đã điện đàm với người đồng cấp New Zealand Winston Peters để thỏa luận về kế hoạch của Israel tấn công vào Rafah.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Australia Penny Wong cũng đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với tân Thủ tướng Palestine Mohammad Mustafa và Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah Bin Zayed.
Theo truyền thông Australia, trong các cuộc trao đổi này, Ngoại trưởng Australia nỗ lực kêu gọi các bên ngừng bắn, yêu cầu Hamas thả con tin và thúc đẩy việc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc. Mặc dù nội dung văn bản cần được bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc đang được thảo luận song truyền thông Australia cho biết nhiều quốc gia muốn mang đến sự hy vọng cho người dân Palestin và khởi động tiến trình hướng tới giải pháp hai nhà nước.
Truyền thông Australia cho hay, từ cuối năm 2023, quan điểm của nước này đang tiến gần với quan điểm của New Zealand và Canada trong đó đề nghị cần phải có một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức. Đồng thời vào hồi tháng 2/2024, Australia, New Zealand và Canada đã ra tuyên bố chung trong đó lên tiếng cảnh báo về những hậu quả nếu Israel chiếm đóng Rafah.
Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters ngay 7/5 cũng ra một tuyên bố đề nghị Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức để tránh cho thảm họa nhân đạo trở nên tồi tệ hơn khi diễn ra hành động quân sự tại Rafah. Tuyên bố nêu rõ New Zealand “kêu gọi kiềm chế” và khẳng định “một cuộc tấn công quân sự vào Rafah là hoàn toàn không thể chấp nhận được” và kêu gọi hai bên cùng lùi bước.
Ông Peters nhấn mạnh “Israel và nhà nước Palestine tương lai có thể cùng chung sống hòa bình bên cạnh nhau là giải pháp lâu dài, thực tế và công bằng duy nhất” tuy vậy “giải pháp này chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán chứ không phải ở Rafah”.