Australia từng bước thay đổi quan điểm về Trung Đông
VOV.VN - Lần đầu tiên sau gần 2 thập kỷ, Australia đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết của Liên Hợp Quốc công nhận chủ quyền vĩnh viễn của người Palestine đối với tài nguyên thiên nhiên tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Động thái này được đánh giá là một biểu hiện cho thấy Australia đang dần thay đổi quan điểm trong vấn đề Trung Đông.
Australia vừa cùng với 158 quốc gia trên thế giới bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết của Liên Hợp Quốc công nhận chủ quyền vĩnh viễn của người Palestine đối với tài nguyên thiên nhiên tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem. Dự thảo nghị quyết này cũng kêu gọi Israel ngừng phá hủy cơ sở hạ tầng như đường ống dẫn nước, nước thải và mạng lưới điện cũng như ngừng tịch thu nhà cửa và trang trại của người Palestine.
Đáng chú ý, trong 2 lần bỏ phiếu trước đó vào năm 2003 và 2006 về dự thảo nghị quyết này, Australia đã bỏ phiếu trống và phản đối dự thảo nghị quyết vì vậy việc ủng hộ dự thảo nghị quyết lần này cho thấy Australia đang thay đổi quan điểm trong vấn đề này.
Giải thích về việc bỏ phiếu lần này, Người phát ngôn của Ngoại trưởng Australia cho biết mặc dù không đồng ý với mọi nội dung trong dự thảo nghị quyết nhưng việc bỏ phiếu này phản ánh mối quan ngại quốc tế về các hành động của Israle cản trở việc tiếp cận tài nguyên thiên nhiên và hoạt động định cư đang diễn ra, tước đoạt đất dai, phá hủy và có hành động bạo lực đối với người định cư Palestine.
Mặc dù không đề cập song việc Australia thay đổi quan điểm trong vấn đề Trung Đông được cho là chịu nhiều tác động từ tình hình trong nước. Từ sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel và bắt cóc nhiều người dân Israel vào tháng 10/2023 dẫn đến nhiều cuộc tấn công trả thù của Isreal cũng như cuộc tấn công của Israel vào Lebanon trong thời gian gần đây đã gây nên làn sóng phẫn nộ lớn trong cộng đồng những người Hồi giáo tại Australia.
Hàng trăm nghìn người đã xuống đường tuần hành tại các thành phố lớn để kêu gọi chính quyền nước này gây sức ép mạnh hơn với Israel để chấm dứt tình trạng này và bảo vệ những người vô tội. Lời kêu gọi của cộng đồng người Hồi giáo trở nên quan trọng hơn và cần phải được lắng nghe hơn khi vào năm tới Australia tổ chức bầu cử Quốc hội song uy tín của Công đảng cầm quyền và Thủ tướng Anthony Albanese đang xuống thấp. Chính vì vậy có thể Chính phủ Australia muốn sử dụng cơ hội này để thuyết phục những người Hồi giáo bỏ phiếu cho Công đảng trong cuộc bầu cử sắp tới.