Bà Hillary Clinton: Lương CEO gấp 300 lần người lao động Mỹ
VOV.VN- Nhận xét trên của bà Clinton trong cương lĩnh tranh cử Tổng thống là một đòn giáng mạnh vào sự bất bình đẳng về thu nhập của người dân Mỹ.
Theo Reuters, trong bức thư gửi những người ủng hộ mình ngày 13/4, bà Clinton đã bày tỏ lo ngại về việc lãnh đạo các tập đoàn của Mỹ được trả quá hậu hĩnh so với những người lao động bình thường.
Bà Clinton khẳng định, trong khi nhiều gia đình tại Mỹ phải vật lộn vì những khó khăn về tài chính thì “một CEO trung bình kiếm được số tiền gấp tới 300 lần so với một người lao động”.
Tuyên bố trên của bà Clinton được cho là hoàn toàn gây bất ngờ và nhiều chuyên gia cho rằng, bà Clinton không muốn đi theo chính sách kinh tế mà chồng bà, cựu Tổng thống Mỹ Bill Cliton từng theo đuổi trước đây.
“Tôi đã thấy sức ép từ phía cánh tả với bà Clinton và tôi cho rằng điều này là rất tốt”, ông Jared Milrad một người ủng hộ bà Clinton và cũng xuất hiện trong video tuyên bố tranh cử của bà, nhận định.
Ông Milrad cho rằng, chính sách dân túy này của bà Clinton cho thấy bà đã “lắng nghe những người ủng hộ bà, những người cũng ủng hộ những chính sách của Thượng Nghị sĩ Elizabeth Warren”.
Trước đó, ông Warren từng lên tiếng kêu gọi thắt chặt các quy định đối với những ngân hàng lớn và thúc đẩy mạng lưới an sinh xã hội của Mỹ.
Dù khá lạc quan về tuyên bố của bà Clinton, nhiều người ủng hộ bà cho biết, họ vẫn chưa được biết chi tiết về các đề xuất của bà.
“Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa biết rõ về chi tiết các đề xuất của bà. Tôi hy vọng bà Clinton sẽ nêu rõ quan điểm của mình về vấn đề trên”, ông Zephyr Teachout, người từng là ứng viên tranh cử chức Thống đốc Bang New York chia sẻ.
Ngay cả ông Leo Gerard, Chủ tịch Liên đoàn Công nhân ngành Thép Mỹ cũng thận trọng trước tuyên bố của bà Clinton.
“Tôi nghĩ rằng còn quá sớm để đưa ra nhận định về tuyên bố có phần quá ngắn gọn của bà Clinton. Chúng tôi sẽ theo dõi kỹ những gì bà ấy làm sau đó”, ông Gerard nói.
Sự chênh lệch về mức thu nhập giữa lãnh đạo các tập đoàn lớn và người lao động Mỹ đã leo thang chóng mặt chỉ trong vòng vài thập kỷ. Vào năm 1965, các CEO kiếm được gấp 20 lần một người lao động bình thường trong khi đó khoảng cách này vào năm 2013 tăng lên tới gần 300 lần.
Sự bất bình đẳng về thu nhập này đã từng là chủ đề chính trong cương lĩnh tranh cử của Đảng Dân chủ trong nhiều năm qua. Bản thân Tổng thống Barack Obama cũng đã từng đề cập đến vấn đề này nhưng vẫn “tránh” không “đụng” đến lãnh đạo các tập đoàn lớn tại Mỹ.
Năm 2009, ông Obama từng chỉ trích “những con mèo béo ụ” (từ để chỉ những chủ ngân hàng trên phố Wall) vì đã nhận những khoản tiền kếch xù trong giai đoạn khủng hoảng tài chính Mỹ từ năm 2007-2009 trong khi nhiều người dân Mỹ phải sống trong tình trạng cực kỳ khó khăn.
Tuy nhiên, khi vấp phải nhiều lời chỉ trích của Đảng Cộng hòa, ông Obama đã bào chữa rằng ông không phải là người “chống lại những doanh nhân”.
Như vậy, việc khéo léo cân bằng giữa những chính sách dân túy của mình và việc tránh để phật lòng những nhà tài trợ giàu có trên phố Wall sẽ là thách thức hàng đầu mà bà Clinton sẽ phải đối mặt, giống như ông Obama trước kia.
Nhiều lãnh đạo các tập đoàn tài chính tại phố Wall đã bày tỏ sự ủng hộ rất thận trọng với bà Clinton.
“Bà Clinton sẽ giải quyết được vấn đề bất bình đẳng. Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn rằng đó là một chính sách dân túy”, bà Lynn Forester de Rothschild, CEO của tập đoàn đầu tư E.L. Rothschild chia sẻ.
“Thậ là ngu ngốc nếu cho rằng, những người giàu có không lo lắng gì về mức độ bất bình đẳng trong thu nhập tại Mỹ hiện nay”, bà Rothschild nhận định./.