Ba Lan đề nghị Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở lãnh thổ của mình
VOV.VN - Ba Lan cho biết nước này đã đề nghị Mỹ đưa vũ khí hạt nhân tới lãnh thổ của mình giữa bối cảnh phương Tây ngày càng lo ngại về việc Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nhận định, có "một cơ hội tiềm năng" cho Ba Lan để tham gia vào "chương trình chia sẻ hạt nhân" mà theo đó, các phi công ở nước bố trí hạt nhân được huấn luyện để thực hiện nhiệm vụ chở bom hạt nhân của Mỹ.
"Chúng tôi đã trao đổi với các nhà lãnh đạo Mỹ về việc liệu Washington có cân nhắc khả năng này hay không. Đây là một vấn đề mở", ông Duda bình luận.
Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết họ chưa nhận được yêu cầu như vậy.
"Chúng tôi chưa được thông báo về vấn đề này và sẽ trao đổi với chính phủ Ba Lan", một quan chức Mỹ cho hay.
Việc di chuyển vũ khí hạt nhân Mỹ tới Ba Lan có thể sẽ vi phạm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Đạo luật Sáng lập Quan hệ Nga - NATO năm 1997. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO tuyên bố liên minh này không có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của các nước thành viên mới.
Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ (FAS) ước tính, Mỹ có khoảng 100 vũ khí hạt nhân còn lại ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh, được bố trí ở các nước Hà Lan, Bỉ, Đức, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ. Đó đều là bom B61, được coi là những vũ khí đã lỗi thời và sẽ không được sử dụng trong trường hợp chiến tranh với Nga nổ ra. Các chuyên gia kiểm soát vũ khí từ lâu đã kêu gọi dỡ bỏ chúng khỏi châu Âu.
Tuy nhiên, chúng đã được hiện đại hóa thành bom hạt nhân dẫn đường B61-12. Những quả bom này cũng được thiết kế để các tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II có thể mang chúng.
Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân của FAS cho biết, các kho bom dẫn đường B61-12 ở châu Âu đang được nâng cấp và tăng cường.
"Lý do họ đang thực hiện điều này là để bảo vệ lực lượng trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các tên lửa theo quy ước của Nga", chuyên gia Kristensen đánh giá.
Tổng thống Putin cảnh báo sẽ sử dụng mọi phương tiện sẵn có để bảo vệ lãnh thổ Nga, đồng thời tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine.
Trong khi đó, Nhà Trắng cảnh báo những "hậu quả thảm khốc" nếu Tổng thống Putin quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân, song không nếu cụ thể các biện pháp đó.
Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau tuần trước cũng cho biết, các biện pháp đáp trả không sử dụng hạt nhân nhưng sẽ có sức tàn phá khủng khiếp.
Cựu giám đốc CIA David Petraeus thì cho rằng, một kịch bản đáp trả có thể xảy ra là NATO thực hiện các cuộc tấn công theo quy ước nhằm vào các lực lượng của Nga ở Ukraine và thậm chí đánh chìm Hạm đội Biển Đen.
Dù vậy, một cuộc tấn công thực sự của NATO vào các mục tiêu quân sự của Nga ở Ukraine sẽ là sự dịch chuyển lớn, biến cuộc xung đột hiện nay thành cuộc chiến giữa Nga và NATO, điều mà các nhà hoạch định chính sách suốt gần 80 năm qua cố gắng ngăn chặn./.