Ba Lan điều tra vụ việc sử dụng phần mềm gián điệp của chính phủ tiền nhiệm
VOV.VN - Ngày 17/1, Quốc hội Ba Lan quyết định thành lập một Ủy ban điều tra về cáo buộc chính phủ tiền nhiệm, sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus đối với các chính trị gia, thẩm phán và nhà báo đối lập.
Từ năm 2015-2023, chính phủ tiền nhiệm đã bị cáo buộc theo dõi các chính trị gia, các thẩm phán, nhà báo… có xu hướng đối lập với chính phủ cầm quyền bằng phần mềm Pegasus. Căng thẳng chính trị gia tăng ở Ba Lan kể từ khi chính phủ mới thân châu Âu, đứng đầu là cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 12.
Theo một số báo cáo, phần mềm gián điệp này do công ty tình báo của Israel phát triển đã được một số quốc gia trên thế giới sử dụng để theo dõi điện thoại và máy tính của các nhân vật chính trị, nhà hoạt động nhân quyền, phóng viên... với mục đích cung cấp thông tin cho các cơ quan chính phủ.
Sau khi được cài đặt vào điện thoại di động, phần mềm này cung cấp quyền truy cập vào tin nhắn và dữ liệu của người dùng, đồng thời cho phép thiết bị được kích hoạt từ xa để ghi lại âm thanh và hình ảnh.
Trước đó, Chủ tịch Đảng Pháp luật và Công Lý (PiS), Jaroslaw Kaczynski thừa nhận, vào đầu năm 2022, Ba Lan có mua phần mềm gián điệp này nhưng phủ nhận việc sử dụng nó để chống lại các chính trị gia đối lập.
Với quyết định của Quốc hội trong ngày 17/1, Ủy ban điều tra của Quốc hội sẽ điều tra các mục tiêu và tính hợp pháp của việc sử dụng phần mềm Pegasus, đồng thời cố gắng xác định Ba Lan đã mua lại phần mềm này và các hệ thống tương tự khác như thế nào.
Kể từ khi lên nắm quyền, chính phủ mới thân châu Âu đứng đầu là ông Donald Tusk đã xung đột với Tổng thống theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ Andrzej Duda, người được Đảng Pháp luật và Công lý ủng hộ trong một thời gian dài.
Các động thái trong giai đoạn vừa qua giữa hai bên cũng tạo ra những hỗn loạn nhất định về tính pháp lý và bất ổn trong nội bộ chính trị. Quốc hội mới đã thành lập hai ủy ban điều tra khác về hành động của chính phủ Đảng Pháp luật và Công lý, trong đó điều tra các thông tin liên qua đến việc tổ chức bầu cử trong thời điểm đại dịch Covid-19 và vấn đề bê bối nhận hối lộ để cấp thị thực Schengen.