Ba Lan: Khủng hoảng hiến pháp chưa có dấu hiệu kết thúc
VOV.VN - Cuộc khủng hoảng hiến pháp tại Ba Lan dường như vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.
Cuộc khủng hoảng hiến pháp tại Ba Lan dường như vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống khi ngày 11/8, Tòa án Hiến pháp nước này kết luận nhiều điều khoản trong luật mới quy định chức năng, quyền hạn và hoạt động của tòa là không hợp hiến.
Khủng hoảng hiến pháp Ba Lan bắt đầu xảy ra vào tháng 10 năm ngoái ngay sau khi Chính phủ mới của Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) lên nắm quyền và tiến hành một loạt cải cách tại Tòa án Hiến pháp và các cơ quan quan trọng khác của nước này.
Khủng hoảng hiến pháp chưa có dấu hiệu kết thúc ở Ba Lan.
Tòa án Hiến pháp cho rằng những thay đổi về thành phần các thẩm phán hay qui định hoạt động của tòa là không hợp hiến, ngăn cản hoạt động có hiệu quả của cơ quan có quyền lực cao nhất Ba Lan. Chính phủ của Đảng Pháp luật và Công lý không công nhận phán quyết này của tòa và cho rằng nó không có giá trị.
Những tranh cãi trên liên tục nổ ra và kéo dài dẫn tới các cuộc biểu tình trong nước và chỉ trích gay gắt từ Liên minh châu Âu. Tháng 1/2016 Ủy ban châu Âu đã tiến hành điều tra ban đầu để xem liệu những thay đổi trên có vi phạm quy định của EU hay không và cân nhắc các biện pháp trừng phạt. Nghị viện châu Âu sau đó cũng đã ra nghị quyết cảnh báo những cải cách của Ba Lan đe dọa nguyên tắc luật pháp, nền dân chủ và quyền con người ở nước này.
Trung tuần tháng Bảy vừa qua, Quốc hội Ba Lan đã thông qua luật mới do Chính phủ của Đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền soạn thảo qui định hoạt động của Tòa án Hiến pháp.
Đảng này cho rằng luật mới đã giải quyết được những lo ngại của quốc tế so với luật được thông qua hồi tháng 12 năm ngoái khi đó Tòa án Hiến pháp rất khó có thể bác các đề xuất do Đảng này đệ trình. Thêm vào đó, luật mới qui định bất kỳ một phán quyết nào được thông qua tại tòa chỉ cần một số phiếu quá bán thay vì phải cần ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ như trước đó.
Mặc dù luật này đã được Tổng thống Ba Lan ký ban hành và đăng trên công báo có hiệu lực từ 2/8 vừa qua, Ủy ban châu Âu cho rằng luật mới không giải quyết hết những quan ngại trước đó mà còn tạo ra những lo ngại mới. Ủy ban này cho Ba Lan thời hạn ba tháng để nghiên cứu và sửa đổi lại những điều khoản mà Ủy ban cho là không phù hợp với quy định của khối.
Trong phiên họp ngày 11/8, Tòa án Hiến pháp Ba Lan cũng cho rằng nhiều điểm trong luật mới kể trên không hợp hiến. Trong số những quy định mà Tòa cho là vi hiến bao gồm điều khoản Người đứng đầu tòa phải tham khảo yêu cầu xét xử với Thủ tướng, hay điều khoản cho phép bốn trong số 15 thẩm phán của tòa có quyền ngăn chặn các phán quyết thực thi trong vòng 6 tháng.
Những diễn biến mới cho thấy tranh cãi xung quanh kế hoạch cải cách Tòa án hiến pháp của Chính phủ Ba Lan chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Chính phủ đã cố gắng sửa đổi luật để thích nghi tình hình trong nước và khuyến nghị của Ủy ban châu Âu.
Giờ đây Ba Lan sẽ có thời hạn ba tháng để sửa đổi lại luật thêm một lần nữa. Ngược lại nước này có thể sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt của EU, trong đó quyền được bỏ phiếu của Warsaw tại EU sẽ bị tước bỏ. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, một lệnh trừng phạt như vậy khó khả thi trên thực tế vì nó cần phải có sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên, trong đó Hungary là nước đầu tiên lên tiếng phản đối./.