Ba Lan và Hungary phản đối hiệp ước di cư
VOV.VN - Ba Lan và Hungary đã bỏ phiếu chống lại phần cuối cùng của hiệp ước tái định cư người di cư của EU trong cuộc họp của các đại sứ các nước EU tại Bỉ.
Theo các nguồn tin từ Brussels cho biết Cộng hòa Séc, Slovakia và Áo bỏ phiếu trắng; Ba Lan và Hungary đã bỏ phiếu chống lại hiệp ước tái định cư cho người di cư của EU.
Ba Lan cũng là quốc gia kiên quyết phản đối kế hoạch của EU vì nước này coi yếu tố đoàn kết bắt buộc của kế hoạch này bao gồm hình phạt tài chính đối với việc không chấp nhận người di cư là hoàn toàn không phù hợp.
Đầu tháng 6, Hội đồng Tư pháp và Nội vụ EU, bao gồm các Bộ trưởng nội vụ đại diện cho các quốc gia thành viên EU đã phê chuẩn hiệp ước mới về di cư và tị nạn.
Theo dự thảo quy định, các thành viên EU sẽ phải chấp nhận hạn ngạch ban đầu là 30.000 người di cư từ các quốc gia phải chịu gánh nặng di cư từ Trung Đông và châu Phi, như Hy Lạp và Italia, hoặc phải trả khoảng 22.000 EUR cho mỗi người di cư không tiếp nhận. Đa số các nước đã ủng hộ cho đề xuất này tuy nhiên Ba Lan và Hungary phản đối mạnh mẽ các quy định này vì cho rằng không phù hợp.
Đại diện thường trực của Ba Lan tại EU, Andrzej Sadoś, kêu gọi Chủ tịch EU tìm kiếm giải pháp phù hợp hơn để có thể đạt được sự đồng thuận trong quá trình thực hiện cải cách chính sách di cư và tị nạn của Liên minh châu Âu, trong đó nhấn mạnh về hỗ trợ tự nguyện cho các quốc gia đang chịu áp lực di cư.
Một số quốc gia EU, bao gồm cả Ba Lan, gần đây đã áp dụng lại các biện pháp kiểm tra biên giới để ứng phó với tình trạng di cư gia tăng ảnh hưởng đến một số quốc gia thành viên của khối.
Cùng ngày, Bộ trưởng về tị nạn và di cư của Hy Lạp, Dimitris Kairidis lên tiếng thúc giục các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu thông qua đề xuất trừng phạt các nước từ chối tiếp nhận người di cư.
Ông cho rằng các thỏa thuận song phương hiện có về việc hồi hương người di cư ở từng quốc gia thành viên EU và các quốc gia không phải thành viên đã tỏ ra không hiệu quả.
Do đó, châu Âu cần áp đặt ý chí của mình về vấn đề này và phải có các hỗ trợ tài chính cần thiết với các quốc gia tuyến đầu cũng như có lệnh trừng phạt với những nước từ chối người di cư.
Hy Lạp và Italia hiện đang phải đối mặt với sự gia tăng đột biến lượng người di cư trong nhiều tháng qua, điều này đã tạo ra áp lực mới trong EU để hoàn tất thỏa thuận chung về vấn đề di cư.