Bangladesh thành lập chính phủ lâm thời
VOV.VN - Hàng loạt các quyết định nhân sự quan trọng trong đó có việc chỉ định Thủ tướng lâm thời cho Bangladesh đã được đưa ra sau cuộc họp giữa giữa Tổng thống Mohammed Shahabuddin và các thủ lĩnh sinh viên biểu tình vào chiều 6/8.
Tại cuộc họp giữa Tổng thống Mohammed Shahabuddin với người đứng đầu ba cơ quan cùng các thành viên điều phối của Phong trào sinh viên chống phân biệt đối xử để hoàn tất bộ khung của chính phủ lâm thời trong tối qua, ông Muhammad Yunus – người từng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2006 đã được chỉ định là người đứng đầu chính phủ lâm thời tại quốc gia Nam Á này.
Trao đổi với giới truyền thông, Thư ký báo chí của Tổng thống Joynal Abedin cho biết Tổng thống Shahabuddin đã nhất trí với đề xuất tại hội nghị và các thành viên khác của chính phủ lâm thời sẽ được hoàn chỉnh trong sự tham vấn với các chính đảng khác. Theo Tổng thống Shahabuddin, Bangladesh đang đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc và để giải quyết vấn đề, chính phủ lâm thời cần phải được thành lập càng sớm càng tốt. Ông cũng hối thúc tất cả các bên cùng nhau chung tay giải quyết khủng hoảng.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Shahabuddin đã giải tán Quốc hội, mở đường cho việc thành lập một chính phủ lâm thời ở nước này. Cùng với việc xúc tiến thành lập Chính phủ lâm thời ở Bangladesh, quân đội Bangladesh đã thông báo quyết định cải tổ lớn trong lực lượng quân đội nước này, trong đó có việc thay hàng loạt vị trí chủ chốt như miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Trung tâm Giám sát Viễn thông quốc gia, bổ nhiệm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Huấn luyện và Học thuyết Amy, và Tham mưu trưởng lục quân Bangladesh. Đây là những yêu cầu được xem là chủ chốt mà những người biểu tình đưa ra trước đó.
Các cuộc biểu tình tại Bangladesh bắt đầu bùng phát vào tháng 7 vừa qua do các nhóm sinh viên dẫn đầu nhằm phản đối hạn ngạch việc làm của công chức. Biểu tình đã leo thang và nhanh chóng biến thành bạo lực, gây nhiều thương vong. Cảnh sát và giới chức y tế Bangladesh cho biết có ít nhất 109 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ biểu tình trong ngày 5/8. Đây là ngày có nhiều người thiệt mạng nhất kể từ khi làn sóng biểu tình bùng phát. Theo đó, tổng số người thiệt mạng trong làn sóng biểu tình này tăng lên 409 người.
Trước những diễn biến bất ổn tại Bangladesh, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi các bên ở Bangladesh kiềm chế và sớm ổn định trở lại. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các bên ở nước này bình tĩnh và kiềm chế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một quá trình chuyển tiếp hòa bình, trật tự và dân chủ.
Phát biểu trước báo giới, Phó phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Farhan Haq cho biết: “Tổng thư ký đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Bangladesh, bao gồm cả kế hoạch thành lập chính phủ lâm thời. Ông kêu gọi các bên bình tĩnh và kiềm chế và nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi hòa bình, trật tự và dân chủ. Tổng thư ký bày tỏ tình đoàn kết với người dân Bangladesh và kêu gọi tôn trọng đầy đủ các quyền con người. Ông tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu mở cuộc điều tra đầy đủ, độc lập, công bằng và minh bạch về tình hình bạo lực xảy ra trước đó”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Bangladesh và hy vọng quốc gia Nam Á sẽ sớm khôi phục ổn định xã hội. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua thông báo Mỹ đã ra lệnh di tản các nhân viên chính phủ không thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp và gia đình của họ khỏi Bangladesh trong bối cảnh tình hình bất ổn dân sự đang diễn ra ở đây.
Trước đó, ngày 5/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cập nhật cảnh báo đi lại đến Bangladesh, trong đó có lệnh di tản các nhân viên Chính phủ Mỹ không thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp và các thành viên gia đình đủ điều kiện khỏi Dakar. Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng mức cảnh báo đi lại liên quan Bangladesh lên Cấp độ 4 - Không được đi lại từ hôm 20/7 vừa qua.