Báo của phụ nữ nghèo

Giải thưởng lớn của UNESCO là sự công nhận các nỗ lực của đội ngũ sáng lập tờ báo “Làn sóng tin tức” (Ấn Độ) trong việc dạy phụ nữ, thanh thiếu niên và những đối tượng bị gạt ra ngoài lề xã hội học đọc, học viết.

Trong số 4 ý tưởng được nhận giải UNESCO về xóa mù chữ năm nay, đáng chú ý có tờ báo Khabar Lehariya (có nghĩa là “Làn sóng tin tức”) của Ấn Độ. Gồm toàn bộ đội ngũ từ tổng biên tập đến phóng viên là những người phụ nữ nghèo, tờ “Làn sóng tin tức” đã tạo nên một cuộc cách mạng ở vùng nông thôn hẻo lánh Uttar Pradesh tại miền Bắc nước này.

Được thành lập từ năm 2002 với mục tiêu khiêm tốn ban đầu là cung cấp thông tin cho những người phụ nữ ít được tiếp cận các phương tiện thông tin tại hai quận Chitrakoot và Banda thuộc Uttar Pradesh, giờ đây, tờ “Làn sóng tin tức” đã trở thành tiếng nói của tầng lớp phụ nữ được xóa mù chữ trong toàn vùng. Tờ báo có hai ấn phẩm với lượng in 25.000 bản được phát hành tại 400 ngôi làng trong vùng. Đây là thành công tiếp theo của tổ chức phi chính phủ có tên là Nirantar vốn hoạt động tích cực trong việc đấu tranh cho quyền của người phụ nữ và tầng lớp thiệt thòi ở các vùng sâu vùng xa của ấn Độ.

Trong thông cáo báo chí công bố giải thưởng, UNESCO nhấn mạnh: “Tờ Làn sóng tin tức đã tạo ra phương pháp với cấu trúc rất tốt để đào tạo những người phụ nữ mới được xóa mù chữ trở thành những nhà báo, thúc đẩy bình đẳng giới và dân chủ hóa thông tin”. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này, những người sáng lập tờ báo đã phải vượt qua nhiều thách thức. Bà Shalini Joshi, đồng giám đốc tổ chức phi chính phủ Nirantar, đơn vị sáng lập tờ “Làn sóng tin tức” cho hay: “Không có nhiều phụ nữ làm nghề báo ở ấn Độ, đa số nhà báo đều là đàn ông, thuộc tầng lớp dân số bậc trung trở lên và được hưởng nền giáo dục tốt. Nói như vậy để thấy rằng, đào tạo những người phụ nữ vừa được xóa mù chữ trở thành các nhà báo là điều hoàn toàn không đơn giản. Trong đó có nhiều người là nạn nhân của những hủ tục phân biệt nam nữ trong các bộ lạc. Tuy nhiên, một khi thành công, họ lại trở thành những nhà báo có cách nhìn chân thực nhất, từ chính các trải nghiệm của họ”.

Về nội dung, báo “Làn sóng tin tức” tập trung đề cập các vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội nổi bật trong vùng và nhiều khu vực khác tại ấn Độ. Nghe thì có vẻ đơn giản song đối với những nhà báo nữ đặc biệt của tờ “Làn sóng tin tức”, để có thể viết về những vấn đề phức tạp và nhạy cảm trong chính xã hội mà họ đang sống, đòi hỏi một tinh thần dũng cảm đáng khâm phục. Bà Joshi tâm sự: “Công việc của họ không hề dễ dàng. Những nhà báo nữ thường xuyên phải đối mặt với các thách thức, nhất là khi họ viết về nạn tham nhũng hay bạo lực, lạm dụng tình dục tồn tại chính trong cộng đồng sinh sống của họ. Họ sẵn sàng chấp nhận đương đầu với những phản ứng dữ dội, nhiều khi là hung bạo từ phía các nhân vật bị họ vạch mặt trong bài báo. Và tại một nơi mà tình trạng bạo hành phụ nữ còn tồn tại nặng nề như ở Uttar Pradesh, đòi hỏi những người phụ nữ này phải rất dũng cảm mới có thể hoàn thành bài viết của mình”.

Cùng với tờ báo “Làn sóng tin tức”, Giải thưởng xóa mù chữ năm nay của UNESCO được trao cho 3 ý tưởng xuất sắc khác là: chương trình giáo dục không chính thức và xóa mù chữ ở Burkina Faso, Châu Phi; dự án phát triển ngôn ngữ Pashai của Tổ chức phi chính phủ Anh SERVE tại Afghanistan; chương trình học tập suốt đời và giáo dục tiếp nối của khu tự trị Agoo, Philippines. Lễ trao giải chính thức sẽ diễn ra vào ngày 8/9 tới tại trụ sở UNESCO tại Paris, Pháp nhân Ngày Quốc tế xóa mù chữ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên