Bạo lực đẫm máu leo thang tại Syria bất chấp đàm phán hòa bình
VOV.VN - Loạt đánh bom liên hoan gây thương vong cho hơn 160 người ở Syria vừa qua đã phủ bóng đen lên đàm phán hòa bình Syria.
Ít nhất 60 người đã thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương trong loạt vụ đánh bom liên hoàn xảy ra hôm 31/1, gần một đền thờ Hồi giáo nổi tiếng dòng Shiite, phía Nam thủ đô Damascus của Syria.
Hiện trường một vụ đánh bom xe ở Syria. Ảnh: NYDailynews. |
Theo tổ chức giám sát nhân quyền Syria, vụ nổ đầu tiên là đánh bom xe. Hai vụ nổ tiếp theo là do hai kẻ đánh bom liều chết thực hiện. Con số thương vong còn có thể tăng do có rất nhiều người bị thương nặng. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận tiến hành loạt vụ đánh bom này.
Thánh đường Sayyida Zeinab là nơi để phần mộ của cháu gái nhà Tiên tri Mohammed và đặc biệt được tôn kính như một điểm hành hương đối với những người Hồi giáo dòng Shiite. Hồi tháng 2/2015, thánh đường này đã từng là mục tiêu tấn công của hai vụ đánh bom liều chết vào một trạm kiểm soát gần đó khiến 4 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương.
Vì sao khủng bố Hồi giáo cực đoan lại tàn độc, khó trị, và dai dẳng?
Các vụ đánh bom xảy ra trong bối cảnh Chính phủ và phe đối lập Syria đang tiến hành đàm phán hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ.
Theo đánh giá của giới phân tích, đây có thể được xem là hội nghị quốc tế lần thứ 3 về tái lập hòa bình cho Syria được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ. So với 2 lần trước, hội nghị lần này mở rộng thành phần đối lập tham gia đàm phán. Tuy nhiên đây cũng chính là lý do khiến hội nghị bị hoãn lại đến ngày 29/1 do các bên không thống nhất được thành phần tham dự.
Bất đồng giữa các bên về thành phần tham dự đàm phán cộng thêm vụ đánh bom nghiêm trọng nêu trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình đàm phán cũng như tâm lý của người dân Syria.
Một người dân nói: “Các vụ đánh bom sẽ làm cản trở đàm phán hòa bình vốn được cho là sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chúng tôi”.
Một người khác nói: “Mục đích của các vụ đánh bom là nhằm ngăn chặn đàm phán hòa bình. Song chúng tôi sẽ không khuất phục. Tôi hy vọng đàm phán sẽ vẫn tiếp tục. Quân đội Syria sẽ giành chiến thắng”.
Trước diễn biến trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua (31/1) đã kêu gọi các bên tiếp tục cuộc đàm phán hòa bình cho Syria.
Ông Kerry cảnh báo rằng xung đột tại Syria có thể dễ dàng nhấn chìm khu vực Trung Đông nếu như các bên không thể tiến tới một thỏa thuận. Ông thôi thúc các bên “hợp tác” để đạt được một lệnh ngừng bắn, tăng cường cứu trợ nhân đạo và xây dựng một kế hoạch chuyển tiếp quyền lực chính trị như phác thảo trong bản nghị quyết mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hồi tháng trước.
Theo ông, việc đạt được một thỏa thuận chính trị cho Syria thông qua đàm phán sẽ làm suy yếu sự ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở khắp khu vực này.
Chiến trường Syria 2015 đầy những bất ngờ và “lợi ích nhóm”
Ông Kerry nói: “Thế giới đang hy vọng, các bên tại Syria có thể nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của hàng triệu người dân Syria nhằm giảm áp lực cho các nước láng giềng khi phải tiếp nhận hàng triệu người di cư cũng như hỗ trợ cho hòa bình và ổn định tại Syria. Mục tiêu của chương trình nghị sự là thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn và thiết lập một lộ trình chuyển tiếp chính trị nhằm chấm dứt xưng đột tại Syria theo tuyên bố Geneva 2012 và nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.”
Tình trạng bất ổn ở Syria do cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ và lực lượng đối lập đã tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng hoạt động mạnh cũng như chiếm nhiều vùng lãnh thổ tại quốc gia Trung Đông này.
Bạo lực đẫm máu tại đây cũng khiến hơn 4 triệu người phải chạy trốn ra nước ngoài và 7,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi tha phương ở trong nước, gây nên một cuộc khủng hoảng người di cư lớn./.