Bạo lực leo thang tại Afghanistan đe dọa kế hoạch rút quân của NATO

Những gì đang diễn ra tại Afghanistan cho thấy, tương lai của quốc gia này đang ngày càng trở nên mù mịt hơn.

Afghanistan sẽ không rơi vào nội chiến và cũng không quay trở lại sự thống trị của Taliban sau khi quân đội NATO rút quân khỏi đây trong 2 năm tới. Đó là tuyên bố của Đại sứ dân sự NATO Simon Gass ngày 20/8.

Theo kế hoạch, NATO sẽ rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan vào năm 2014 (ảnh: AP)

Đây được xem là một lời trấn an đối với người dân Afghanistan cũng như Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế tại Afghanistan trong bối cảnh bạo lực không ngừng gia tăng tại nước này trong những tuần gần đây, trong đó có cả những vụ tấn công do binh sĩ Afghanistan thực hiện nhằm vào lực lượng quân đội nước ngoài.

Theo ông Simon Gass, thực tế lực lượng an ninh Afghanistan vẫn mạnh hơn so với Taliban. Những nước khác trong khu vực cũng sẽ không để Afghanistan quay trở lại thời kì đen tối của những năm 1990. Taliban có thể tiến hành các vụ tấn công gây mất ổn định đất nước nhưng không thể “đè bẹp” được lực lượng Afghanistan trong cuộc đối đầu trực tiếp.

Tuyên bố này được đưa ra khi bạo lực đẫm máu không ngừng xảy ra tại Afghanistan kể từ khi lực lượng Taliban phát động làn sóng tấn công khủng bố "chiến dịch mùa Xuân" nhằm vào lực lượng chính phủ và lực lượng NATO tháng 4 vừa qua.

Theo số liệu mới nhất của LHQ, trong 6 tháng đầu năm nay, có hơn 1.000 dân thường thiệt mạng và gần 2.000 người khác bị thương do các vụ bạo loạn và tấn công khủng bố. Các vụ tấn công nhằm vào lực lượng quân đội nước ngoài cũng gia tăng, làm xói mòn lòng tin giữa chính phủ Afghanistan và các đồng minh NATO, trong đó có những cuộc tấn công được cho là do các binh lính, cảnh sát Afghanistan thực hiện nhằm vào lực lượng liên quân.

40 binh lính nước ngoài đã bị giết hại trong các vụ tấn công do binh lính Afghanistan thực hiện trong năm nay và liên quân đã được lệnh vũ trang 24/24 để đối phó. Tuy nhiên, Người phát ngôn Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế tại Afghanistan Gunter Katz khẳng định, đây chỉ là mảng tối trong mối quan hệ hợp tác “tốt đẹp” giữa quân đội NATO và lực lượng an ninh Afghanistan.

“Những vụ việc này không phản ánh toàn bộ tình hình tại Afghanistan, nơi hàng trăm nghìn binh lính và cảnh sát Afghanistan và NATO đang hợp tác để tăng cường lòng tin, tìm một tương lai tươi sáng hơn cho nước này, cũng như gây sức ép lên lực lượng phiến quân”, ông Gunter Katz nói.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Demsey trong chuyến thăm Afghanistan ngày 20/8 cũng nhấn mạnh, những vụ tấn công này không ảnh hưởng đến kế hoạch rút quân. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế rằng làn sóng tấn công mới đang khiến các nước đóng góp quân cho Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế đối mặt với sức ép phải sớm tìm cách rút ra khỏi cuộc chiến đã kéo dài gần 11 năm qua.

New Zealand là nước đầu tiên cho biết sẽ rút quân sớm hơn so với dự định ban đầu. Theo lãnh đạo Đảng đối lập New Zealand, al-Qaeda không còn là mối đe doạ nữa và xung đột đã biến thành cuộc nội chiến giữa Lực lượng Taliban và chính phủ Afghanistan.

Những gì đang diễn ra tại Afghanistan cho thấy, chiếc "bánh vẽ" về “tương lai tươi sáng” của quốc gia này đang ngày càng trở nên mù mịt hơn. Hai mục tiêu mà Mỹ cố gắng đạt được tại Afghanistan trước khi rút quân vào năm 2014 là: củng cố chính quyền Kabul và nỗ lực đàm phán với Taliban vẫn chưa thành hiện thực, trong khi cuộc sống của người dân Afghanistan vẫn "dẫm chân tại chỗ", thậm chí “ngày một bi đát hơn”, với chiến tranh và xung đột liên miên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên