Báo Malaysia: Trung Quốc phải chịu trách nhiệm làm giảm nhẹ căng thẳng

VOV.VN -Ngoại trưởng John Kerry bày tỏ lo ngại trước hành vi khiêu khích của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981

Báo Malaysian Insider hôm nay (22/5) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã trao đổi với người đồng cấp Việt Nam mối quan ngại của Mỹ đối với các hành động khiêu khích của Trung Quốc trong Biển Đông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, ông John Kerry đã trao đổi với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sáng 21/5 về các vấn đề khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Ảnh Reuters)


Căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ đang leo thang trong khu vực, xuất phát từ sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tàu Trung Quốc tấn công tàu chấp pháp Việt Nam, từ đó dẫn đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam.

Theo Malaysian Insider, Washington coi Trung Quốc là bên chịu trách nhiệm chính trong giải quyết xung đột, giảm nhẹ căng thẳng.

"Ngoại trưởng John Kerry bày tỏ lo ngại trước quyết định có tính khiêu khích của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981 và đưa nhiều tàu quân sự tới vùng biển tranh chấp với Việt Nam, gây căng thẳng trong khu vực và dẫn đến những cuộc biểu tình tại Việt Nam", bà Jen Psaki nói.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry "kêu gọi cả hai bên kiềm chế, thực hiện các bước để giảm nhẹ căng thẳng, đảm bảo an toàn cho các tàu trên biển, và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế", bà Psaki nói thêm.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry cũng mời Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tới Washington để "tham vấn hàng loạt các vấn đề song phương và khu vực, là một phần của mối quan hệ đối tác toàn diện Mỹ- Việt", phát ngôn viên Jen Psaki cho biết.

Washington nói rằng Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và một số nước đồng minh trong khu vực Biển Đông .

Nhưng Mỹ kêu gọi tất cả các bên tham gia giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên