Báo Thái kêu gọi ASEAN đoàn kết trong vấn đề Biển Đông

ASEAN cần xem lại cơ chế hoạt động nội bộ trước khi sự thống nhất của khối có thể bị tổn hại.

Tác giả Supalak trên tờ The Nation của Thái Lan đã nhận định như vậy hôm 18/7 khi nói về khác biệt trong quan hệ của từng thành viên ASEAN với các siêu cường.

Kể từ lúc thành lập hơn 40 năm về trước, Supalak viết, ASEAN đã dựa trên nguyên tắc đồng thuận trong tất cả quyết định của mình. Tuy nhiên, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 được tổ chức ở Phnom Penh tuần vừa rồi đã chỉ ra rằng phương pháp đồng thuận không còn hiệu quả nữa trong bối cảnh một số nước thành viên đề cao quá mức lợi ích cục bộ của quốc gia.

Theo Supalak, có sự thiếu nhất trí giữa các bên trong nhóm ASEAN đối với chủ đề Biển Đông. Philippines và Việt Nam muốn khu vực có quan điểm nhất quán đối với Trung Quốc trong việc xử lý tranh chấp trên biển, còn Campuchia thì không.

Cụ thể, Manila muốn Khối bày tỏ quan ngại rõ ràng về vụ đối đầu gần đây giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi đá Scarborough/Hoàng Nham trong Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN. Việt Nam cũng muốn đưa vào Thông cáo ý kiến khẳng định các bên liên quan phải tôn trọng quyền chính đáng của các nước trong Khu Đặc quyền Kinh tế.

Ngoài Philippines và Việt Nam, nhiều nước thành viên ASEAN khác cũng cho rằng cần thiết phải hình thành tiếng nói chung về tranh chấp ở Biển Đông, hoặc ít nhất chứng minh rằng ASEAN vẫn đủ tư cách để bàn thảo các vấn đề hiện nay trong khu vực. Trên thực tế, nhiều nước thành viên muốn toàn thể ASEAN, với tư cách một khối thống nhất, sẽ giải quyết triệt để các vấn đề như trên.

Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (Ảnh: Tuấn Anh/VOV)

Nhưng Campuchia – đương kim Chủ tịch luân phiên ASEAN, lại không muốn đề cập trong bản Thông cáo bất cứ sự việc nào liên quan đến tranh chấp biển. Tác giả Supalak viết, mọi nỗ lực ra thông cáo trong các cuộc họp bộ trưởng ngoại giao tuần trước đều phá sản.

Thoạt đầu, Campuchia “giục” tất cả các bên hữu quan soạn dự thảo Thông cáo có đề cập vấn đề trên, nhưng sau đó lại bác bỏ việc này do khu vực tranh chấp sẽ được gọi tên là Bãi cạn Scarborough (trong khi Trung Quốc gọi nó là Đảo Hoàng Nham).

Sau đó, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa triệu tập một phiên họp vào ngày cuối cùng của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với hy vọng sẽ tìm được thuật ngữ thích hợp, nhưng nỗ lực này cũng thất bại nốt, do nhiều nước thành viên không tham dự vì tin rằng các bên khó có thể thỏa hiệp về vấn đề này.

Rõ ràng là, ASEAN không thể đồng thuận nếu không thỏa hiệp được trong khối, mà thỏa hiệp thì rất khó thực hiện nếu một vài nước chỉ nhăm nhăm lợi ích cục bộ của riêng mình.

Nhiều nước Đông Nam Á có xung đột với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông trong một thời gian dài. Và trên thực tế đã xảy ra xung đột vũ trang ở đây. Bất chấp điều đó, Phnom Penh vẫn không hề muốn ASEAN “dính” vào vấn đề này và chỉ muốn các bên liên quan giải quyết vấn đề song phương giữa Philippines/Trung Quốc và Việt Nam/Trung Quốc.

Cả Philippines và Việt Nam đều nhận thấy tiếng nói tập thể của cả khối ASEAN sẽ hiệu quả hơn.

Trên thực tế, ASEAN đang hy vọng sẽ xây dựng được một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), coi đây là công cụ pháp lý có tính ràng buộc nhằm ngăn ngừa xung đột tại vùng biển này.

Kết thúc bài báo, tác giả Supalak khẳng định, chỉ có đoàn kết lại, đưa ra tiếng nói chung thì khối ASEAN mới đạt được mục tiêu này. Tác giả đồng thời nhấn mạnh đã đến lúc tìm kiếm cho khối một cơ chế khác để đưa ra các quyết định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên