Bất ổn đẩy kinh tế lún sâu vào khủng hoảng ở Ai Cập
(VOV) - Tình hình bất ổn kéo dài tại quốc gia Trung Đông đã làm “bốc hơi” hàng tỉ USD đầu tư nước ngoài vào Ai Cập.
Tình hình bất ổn kéo dài tại quốc gia Trung Đông đã làm “bốc hơi” hàng tỉ USD đầu tư nước ngoài vào nước này, gây ra áp lực kinh tế không nhỏ đối với chính phủ Ai Cập.
Bộ Tư pháp Ai Cập đã chỉ định các thẩm phán để điều tra những khiếu nại về các vi phạm trong quá trình bỏ phiếu. Người phát ngôn Bộ Tư pháp Ai Cập cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Ai Cập, các thẩm phán được chỉ định để điều tra các hành vi vi phạm trong một cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, Ủy ban giám sát cuộc trưng cầu ý dân vẫn tiếp tục bác bỏ những cáo buộc về các vi phạm trong quá trình bỏ phiếu.
Hàng nghìn người Ai Cập hôm 18/12 tiếp tục tổ chức biểu tình tại Quảng trường Tahrir và dinh thự của Tổng thống Ai Cập Mursi nhằm phản đối bản dự thảo hiến pháp mới mà họ cho rằng có thể gây chia rẽ đất nước.
Hàng trăm người biểu tình thậm chí còn có kế hoạch cắm trại qua đêm tại khu vực xung quanh dinh Tổng thống. Câu lạc bộ thẩm phán Ai Cập cũng kêu gọi các thành viên của mình không tiến hành giám sát cuộc bỏ phiếu lần 2 về bản dự thảo hiến pháp mới vào cuối tuần này. Ông Ahmed Elnakr, Người phát ngôn ủy ban vì sự thay đổi Ai Cập cho biết: “Chúng tôi kêu gọi người dân Ai Cập nói không với bản hiến pháp này. Đây chỉ là một bản hiến pháp mang tính chất giáo phái, được viết bởi một bên, đó là những người Hồi giáo. Bản hiến pháp này thiếu sự tham gia của các lực lượng chính trị khác của đất nước. Cuộc trưng cầu ý dân về bản hiến pháp này cũng không hợp lệ bởi nó thiếu sự giám sát tư pháp trong quá trình bỏ phiếu”.
Tình trạng bất ổn tái diễn trong thời gian gần đây đang đẩy nền kinh tế Ai Cập lún sâu hơn vào khủng hoảng với tỉ lệ thâm hụt ngân sách ở mức cao kỷ lục 11% Tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Nền kinh tế Ai Cập đang đối mặt nhiều nguy cơ do bị tháo vốn bởi đầu tư nước ngoài giảm mạnh, lạm phát tăng, thất nghiệp ở mức cao.
Đồng nội tệ của Ai Cập đã rơi xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong vòng 8 năm qua, khiến giá nhập khẩu tăng và suy thoái trở nên trầm trọng hơn. Tổng thống M.Mursi cũng không nhận được sự ủng hộ đối với kế hoạch thắt lưng buộc bụng mới của chính phủ. Đây cũng là nguyên nhân gây trì hoãn khoản vay 4,8 tỉ euro của IMF đối với nước này.
Ông Abdel Moneim Said, chuyên gia nghiên cứu chiến lược khu vực Trung Đông cho biết: “Kết quả cuối cùng của tình trạng bất ổn đó là thâm hụt ngân sách, xuất khẩu giảm, các khoản đầu tư nước ngoài ngưng trệ. Bên cạnh khủng hoảng an ninh và khủng hoảng kinh tế là các cuộc khủng hoảng chính trị, khi mà người dân và chính phủ chuyển tiếp cần phải đưa ra một bản hiến pháp mới. Và để có một bản hiến pháp mới, các bên cần phải thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó bao gồm mối quan hệ giữa nhà nước và các tôn giáo, vai trò của nhà nước trong quản lý kinh tế và đời sống của người dân, những vấn đề cơ bản nhưng lại thương gây chia rẽ đất nước”.
Theo các nhà phân tích, nếu hiến pháp mới được thông qua, các cuộc bầu cử quốc gia Ai Cập dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm tới, và hi vọng đây sẽ là bước khởi đầu nhằm chấm dứt những bất ổn về chính trị và kinh tế tại quốc gia Trung Đông kể từ khi Tổng thống Mursi bị lật đổ./.