Bầu chọn Chủ tịch Hồi đồng Chấp hành UNESCO

Với kết quả mới được công bố, bà Eleonora Mitrofanova (người Nga) chính thức được bầu là Chủ tịch Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2009-2011

Ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên, bà  Eleonora Mitrofanova đã đạt được đủ số phiếu để trở thành Chủ tịch Hội đồng Chấp hành UNESCO, thay thế ông  Olabiyi Babalola Joseph Yaï (người Benin) đã giữ chức vụ này từ tháng 10/2007. Bà  Eleonora Mitrofanova hiện là Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên bang Nga bên cạnh tổ chức UNESCO.

Trong phát biểu của mình khi được bầu vào chức vụ quan trọng này, bà Eleonora Mitrofanova nhấn mạnh tới những nhiệm vụ trước mắt, trong đó có việc giải quyết vấn đề khủng hoảng lòng tin, khủng hoảng về tinh thần trong các quan hệ về kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, với khả năng và nhiệm vụ của mình, UNESCO cần đóng góp nhiều hơn trong việc tạo dựng lại lòng tin, sự khoan dung và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa mọi người dân. Đặc biệt, UNESCO cần quan tâm nhiều hơn tới sự khoan dung nhằm có thể giải quyết và giảm bớt các cuộc xung đột, bạo lực trên thế giới.

Bà Eleonora Mitrofanova
Tổng giám đốc UNESCO, Irina Bokova đánh giá cao sự bầu chọn của Hội đồng chấp hành UNESCO. Bà Irina cho rằng, Hội đồng đã chọn ra một phụ nữ tiêu biểu, có thể gánh vác những trọng trách của Hội đồng Chấp hành UNESCO trong bối cảnh đang diễn ra nhiều vấn đề phức tạp trên thế giới. Bà Eleonora Mitrofanova đồng thời là người có thể thúc đẩy hiệu quả sự hợp tác giữa 3 cơ quan quan trọng của UNESCO. Đặc biệt trước đó, từ năm 2001-2003, bà Eleonora Mitrofanova đã giữ chức Phó Tổng giám đốc UNESCO phụ trách về hành chính.

Hội đồng Chấp hành UNESCO bao gồm 58 thành viên (nhiệm kỳ 4 năm), được bầu tại Đại hội đồng UNESCO. Hội đồng này họp mỗi năm hai lần nhằm đánh giá việc thực thi các hoạt động của UNESCO đã được Đại hội đồng UNESCO nhất trí thông qua. Hội đồng chấp hành UNESCO là cơ quan thay mặt Đại hội đồng UNESCO trong thời gian giữa hai kỳ họp; giám sát việc thực hiện chương trình và quản lý ngân sách; duy trì quan hệ với các tổ chức quốc tế khác thuộc Liên Hợp Quốc; lập chương trình nghị sự và chuẩn bị cho Đại hội đồng; đề nghị kết nạp thành viên mới và giới thiệu người ứng cử vào chức vụ Tổng giám đốc... Các ủy viên Hội đồng Chấp hành có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chiến lược và xây dựng chương trình hành động của UNESCO.

Vào giữa tháng 10/2009, tại cuộc bầu cử diễn ra trong khuôn khổ phiên họp Đại hội đồng lần thứ 35 của UNESCO (thủ đô Paris), Việt Nam đã được bầu là thành viên Hội đồng Chấp hành của UNESCO. Trước đó, Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí này nhiệm kỳ 1978-1983 và nhiệm kỳ 2001-2005./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên