Bầu cử châu Âu nóng lên với cuộc tranh luận đầu tiên

VOV.VN - Cuộc tranh luận đầu tiên và cũng là duy nhất giữa các ứng cử viên cho chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu diễn ra trước khi bỏ phiếu. 

Hai vấn đề khu vực và quốc tế nóng nhất hiện nay là “Chính sách thắt lưng buộc bụng” và “Cuộc khủng hoảng tại Ukraine” là trọng tâm cuộc tranh luận lớn trước các cuộc bầu cử châu Âu diễn ra ngày 15/5 và được truyền hình trực tiếp tại tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu. Những cuộc tranh luận như thế này cũng đã từng diễn ra, song đây lại là đầu tiên giữa 6 nhân vật, được xem là ứng cử viên hàng đầu cho chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu, vốn được xem là quyền lực nhất lục địa già.  

“Cuộc khủng hoảng tại Ukraine” là 1 trọng tâm cuộc tranh luận lớn trước các cuộc bầu cử châu Âu (Ảnh: Getty)

Đại diện 6 đảng phái lớn tại châu Âu gồm đại diện đảng Nhân dân châu Âu, cựu Thủ tướng Lucxemburg Jean Claude Juncker, đại diện đảng  Dân chủ-Xã hội châu Âu, đương kim Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz, người Đức, đại diện Liên minh Dân chủ và Tự do cho châu Âu, cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt, đại diện đảng Xanh châu Âu Ska Keller- người Đức và đại diện đảng cánh tả châu Âu Alexis Tsipras, một thủ lĩnh đối lập tại Hy Lạp đã có cuộc đối đầu trực tiếp tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Thủ đô Brussel, Bỉ.

Cuộc tranh luận đầu tiên và cũng là duy nhất giữa các ứng cử viên hàng đầu cho chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu diễn ra 1 tuần trước khi người dân 28 nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đi bỏ phiếu để lựa chọn 751 thành viên cho Nghị viện Châu Âu (22/5). Theo các nhà phân tích, việc các ứng cử viên chọn 2 vấn đề nóng nhất hiện nay không chỉ tại châu Âu là “Chính sách thắt lưng buộc bụng” và “Cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine” là hoàn toàn dễ hiểu.

Cuộc bầu cử, cũng như công việc chuẩn bị nhân sự đại diện cho các nhóm chính trị nhằm mục tiêu nắm giữ các vị trí quan trọng như: Chủ tịch Hội đồng Châu Âu - cơ quan quyền lực cao nhất của Liên minh châu Âu và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu - cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào sự vận động, chiến thuật của các nhóm chính trị của Liên minh châu Âu, cũng như vào sự thỏa thuận của Chính phủ 28 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu. 

Vấn đề đầu tiên được đề cập tới tại cuộc trạnh luận là các chính sách thắt lưng buộc bụng, vốn được châu Âu xem là “liều thuốc hữu hiệu nhất” để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, vấn đề này đã cho thấy sự khác biệt lớn về lập trường giữa các ứng cử viên.

Phát biểu đầu tiên tại cuộc tranh luận, ứng cử viên đến từ Hy Lạp, ông Alexis Tsipras nhấn mạnh, Hy Lạp là nước dầu tiên mà các nhà lãnh đạo châu Âu lựa chọn để thử nghiệm chính sách thắt lưng buộc bụng được xem là hà khắc nhất. Với quyết tâm mạnh mẽ, ông Tsipras đã gọi các biện pháp thắt lưng buộc bụng là “chính sách thảm họa”, đồng thời kêu gọi “một sự thay đổi đường hướng” và “một châu Âu đoàn kết hơn”.

Ông Alexis Tsipras  nói: “Chúng ta cần bắt đầu bằng sự gắn kết xã hội,việc làm và phát triển. Chúng ta cần phải chấm dứt tình trạng suy thoái, cũng như chấm dứt chính sách thách lưng buộc bụng và “cơn ác mộng nợ công”.

Tuy nhiên, phản bác lại quan điểm này, cựu Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước khu vực đồng Euro, ông Jean Claude Juncker cho rằng, đã nhận được rất nhiều lời trách móc, song ông sẽ không bao giờ chấp nhận việc người ta nói rằng châu Âu không cho thấy đủ tình đoàn kết đối với Hy Lạp. Theo ông, trong suốt 8 năm đảm nhận cương vị Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính khu vực sử dụng đồng Euro, ông đã làm việc suốt ngày đêm để tránh cho Hy Lạp không phải rời khỏi khu vực đồng Euro. Ông đã làm tất cả những gì cần thiết để Hy Lạp vẫn là một thành viên của khu vực. Ông cũng tuyên bố, cần phải tiếp tục các chính sách làm trong sạch nền tài chính công.

Ông Jean Claude Juncker tuyên bố: “Chúng ta cần phải tiếp tục các chính sách làm trong sạch nền tài chính công. Cùng với đó là việc thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ. Vì với thỏa thuận này mỗi hộ gia đình tại châu Âu sẽ có thể có thêm được 545 Euro. Tôi ủng hộ việc áp dụng mức lương tối thiểu tại Hy lạp cũng như tất cả các nước tại châu Âu”.

Cuộc tranh luận hôm 15/5 cũng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong Liên minh châu Âu liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, đang đặt Nga và phương Tây trước một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Trong khi ứng cử viên của người Bỉ Verhofstadt kêu gọi tăng cường các biện pháp trừng phạt với Nga, thì ứng cử vên Hy Lạp Tsipras lại cảnh báo nguy cơ tái diễn Chiến tranh Lạnh, đồng thời hối thúc đối thoại giữa tất cả các bên liên quan.

Ông Tsipras  nói: “Châu Âu đang sử dụng những ngôn từ và cách hành xử theo kiểu chiến tranh Lạnh. Điều này là sai lầm. Tôi tin rằng, những vết thương gây chia rẽ châu Âu sẽ không thể được chữa lành bằng các biện pháp trừng phạt. Theo tôi cách tốt nhất hiện nay đó là nói chuyện vào đối thoại. Và đây cũng là thông điệp gửi tới Ukraine.”

Cuộc tranh luận ngày 15/5 chỉ được xem là điểm khởi đầu cho nỗ lực của các nước nhằm giành được những vị trí quan trọng của Liên minh châu Âu, đặc biệt là Ủy ban châu Âu, vốn được xem là vị trí quyền lực nhất Lục địa già. Dù việc xác đinh ai là người chiến thắng vẫn là một chặng đường dài, song tại cuộc tranh luận ngày hôm qua, đại diện đảng Dân chủ- Xã hội châu Âu, đương kim Chủ tịch Nghị viện châu Âu khẳng định, chắc chắn 1 trong 6 ứng cử viên tham gia cuộc tranh luận sẽ là chủ tịch tương lai của Ủy ban châu Âu, bởi một ai đó khác được bổ nhiệm, thì người này sẽ không thể nhận được sự ủng hộ của đa số tại Nghị viện châu Âu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên