Bầu cử Chủ tịch đảng LDP Nhật Bản và cao trào “luận chiến” chính sách giáo dục
VOV.VN - Trong bối cảnh các đảng đối lập “chĩa mũi dùi” vào các chính sách an sinh xã hội hiện hành, “luận chiến” chính sách giữa các ứng cử viên trong cuộc bầu cử chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) trở thành cao trào với chủ đề về chính sách giáo dục. Đây cũng là một trong những chủ đề được dư luận quan tâm nhất.
Giáo dục luôn là vấn đề được dư luận và giới chuyên môn của Nhật Bản quan tâm, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi tình trạng dân số lão hóa gia tăng nhanh chóng, dẫn tới yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đang trở nên ngày càng cấp bách.
Do đó, tranh luận chính sách giáo dục giữa các ứng cử viên trong cuộc bầu cử chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) được coi là yếu tố quyết định để các ứng cử viên có được “điểm cộng” hay “điểm trừ” từ phía cử tri. Tuy nhiên, “luận chiến” vẫn được triển khai trái chiều nhau. Chỉ riêng vấn đề học phí mà người dân phải chi trả, cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Về vấn đề này, một trong hai ứng cử viên trẻ nhất là ông Kobayashi Takayuki nhấn mạnh: “Tôi cho rằng cần thiết lập cơ chế nhà nước chi trả toàn bộ học phí cho người đi du học nước ngoài. Liên quan đến đầu tư cho ngành giáo dục, cần mở rộng phạm vi đối tượng được miễn phí giáo dục, đồng thời, đẩy mạnh, mở rộng phạm vi, bổ sung các biện pháp hỗ trợ các gia đình khó khăn và các gia đình đông con trong giáo dục”.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến không đồng thuận. Một ứng viên trẻ khác là ông Koizumi Shinjiro cho rằng, không nhất thiết phải học đại học mới có thể có một chỗ đứng tự tin trong xã hội, và cần tránh cách nghĩ bằng mọi giá phải đi du học nước ngoài của lớp trẻ hiện nay.
Trong khi đó, ứng cử viên Kato Katsunobu nêu quan điểm từ một góc độ khác hẳn: “Con người khi bước ra xã hội, việc phải tự trang trải chi phí học tập, giáo dục cho chính mình và nuôi dậy con cái là điều đương nhiên. Nếu không phải chịu những khoản chi phí đó sẽ không công bằng với người khác. Có thể xem xét một số biện pháp như: ưu tiên những đối tượng học đại học tại các địa phương, và các địa phương xem xét tiến hành thử nghiệm việc miễn học phí cho những đối tượng này”.
Trên thực tế, mặc dù Nhật Bản luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng cũng luôn bị dư luận và giới chuyên môn cho rằng đầu tư chưa xứng tầm. Mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố một báo cáo trong đó thẳng thắn chỉ ra vấn đề chi phí công cho giáo dục của Nhật Bản quá thấp với 8%, trong khi mức trung bình của các nước thành viên OECD là 12%. Theo đó, điều dư luận Nhật Bản quan tâm không chỉ là nội dung của tranh luận chính sách trong bầu cử giữa các ứng cử viên, mà còn là việc những cam kết tranh cử này sẽ được tân chủ tịch LDP, đồng thời cũng là tân thủ tướng Nhật Bản thực hiện như thế nào sau khi đắc cử.