Bầu cử Mỹ bước vào giai đoạn quyết định với nhiều diễn biến đáng chú ý
VOV.VN - Cuộc đua vào Nhà Trắng đã bước vào giai đoạn quan trọng, với hàng loạt những diễn biến đáng chú ý nổi lên khi ngày bầu cử Mỹ chính thức sẽ đến trong khoảng 3 tuần nữa.
Hai ứng viên bầu cử Mỹ là bà Harris và ông Trump vẫn đang trong cuộc đối đầu quyết liệt, nhất là tại các bang "chiến trường" có ý nghĩa quyết định đến kết quả cuối cùng.
Chặng đua nước rút trong tháng 10 trước ngày bầu cử 5/11 bao giờ cũng có ý nghĩa to lớn, hứa hẹn những điều bất ngờ làm “đảo lộn” các dự báo trước đó. Một loạt các cuộc thăm dò dư luận được giới truyền thông và một số tổ chức tiến hành gần đây đã đưa ra nhiều dự đoán khác nhau, càng làm tăng thêm tính gay cấn của cuộc đua. Các cuộc thăm dò cho thấy, tỷ lệ ủng hộ giữa hai ứng cử viên đang rất sít sao và chưa có dấu hiệu rõ ràng về sự bứt phá, đặc biệt là tại các bang chiến trường quan trọng.
Theo cuộc thăm dò của Economist/YouGov được công bố hôm 10/10, Phó Tổng thống Kamala Harris đang dẫn trước cựu Tổng thống Donald Trump 4 điểm trong số những cử tri có khả năng đi bỏ phiếu. Bà Harris nhận được 49% sự ủng hộ so với 45% của ông Trump, trong khi 4% cử tri chưa chắc chắn.
Trong khi kết quả thăm dò do báo New York Times/Đại học Siena công bố cùng ngày (10/10) cho thấy, đảng Cộng hòa đang dẫn trước đảng Dân chủ trong các cuộc đua vào Thượng viện Mỹ ở các bang Montana, Texas và Florida. Hiện tại, cả 2 ứng cử viên Tổng thống đều phải điều chỉnh các chiến thuật vận động tranh cử tại các bang chiến trường, bởi khoảng cách chỉ vài chục nghìn phiếu cũng có thể định đoạt kết quả cuối cùng.
Một diễn biến đáng chú ý khác phản ánh rõ tính gay cấn của cuộc đua bầu cử Mỹ, khi các phương tiện truyền thông Mỹ vừa xác nhận Phó Tổng thống Kamala Harris đã “cán mốc” hơn 1 tỷ USD tiền gây quỹ kể từ khi trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ vào tháng 7. Trong khi, Đảng Cộng hòa cũng đang giành lại thế chủ động thông qua các siêu Ủy ban hành động chính trị (PAC), các tổ chức có thể tập hợp các khoản tiền không giới hạn cho các ứng cử viên mà không cần trực tiếp phối hợp với các chiến dịch của họ.
Và mặc dù một cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai giữa bà Harris và ông Trump đang được chờ đợi sẽ mang đến cơ hội cho mỗi ứng cử viên thể hiện rõ hơn lập trường- quan điểm của mình, song ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã một lần nữa khẳng định sẽ không tham gia thêm bất kì cuộc tranh luận nào với đối thủ của mình trước ngày bỏ phiếu. Viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 9/10 (theo giờ Mỹ), ông Trump tiếp tục tuyên bố sẽ không có trận tái đấu.
Phản ứng trước quyết định cứng rắn này của ông Trump, bà Harris nhấn mạnh: “Ông Donald Trump đã chính thức từ chối có thêm bất kỳ cuộc tranh luận nào nữa. Tôi nghĩ đó là một sự bất công đối với cử tri. Nhưng ngay cả khi ông ấy không tham gia tranh luận nữa, thì sự tương phản trong cuộc bầu cử này đã rõ ràng. Nó cho thấy hai tầm nhìn rất khác nhau cho đất nước của chúng ta”.
Cựu Tổng thống Donald Trump trên thực tế đã nhiều lần cho thấy rằng không có tình huống nào mà ông lại bỏ lỡ cơ hội khai thác. Lần này cũng vậy, trong tình huống khẩn cấp đối phó với “bão chồng bão”, ông Trump chỉ trích các đảng viên Dân chủ bỏ mặc các khu vực do đảng Cộng hòa quản lý: “Chính phủ liên bang đã không làm những gì được cho là phải làm, đặc biệt là đối với Bắc Carolina. Họ đã để những người dân đó phải chịu đựng một cách bất công".
Hiện còn quá sớm để biết liệu những cơn bão có tác động đáng kể đến cuộc bầu cử hay không, nhưng chiến dịch của 2 ứng viên đã bắt đầu cân nhắc về khả năng thay đổi cục diện ở các bang bị bão tàn phá. Song theo giới chuyên gia phân tích, những tranh cãi chính trị về nỗ lực chống bão cũng có thể phản tác dụng đối với cả 2 ứng viên.