Bầu cử ở Australia: 10 điểm nhấn thú vị
VOV.VN - Người dân Australia ngày 7/9 sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử trên cả nước.
Dưới đây là 10 điểm nhấn và những thông tin thú vị nhất về cuộc bầu cử tại nước này.
1. Phiếu bầu dài nhất thế giới
Hơn 50 đảng phái sẽ tham gia tranh cử tại cuộc bầu cử lần này, gấp đôi so với con số của năm 2010.
Một số lượng kỷ lục 1.118 ứng cử viên sẽ tham gia giành ghế của Hạ viện và 529 ứng cử viên cho ghế của Thượng viện.
Hàng nghìn chiếc kính hiển vi đã được đem tới các điểm bầu cử ở New South Wales, Victoria và Queensland để giúp người đi bầu “chống chọi’ với tờ phiếu bầu dài tới hàng mét.
Cần tới kính lúp để soi hết tên các ứng cử viên trên phiếu bầu (Ảnh Eyewwire) |
2. Các đảng phái có tên lạ lẫm nhất
Có khá nhiều đảng phái khá kì lạ, nhưng chỉ một vài đảng phái trong số này được liệt kê bởi những cái tên cũng như đường lối chính trị quá bất thường của họ.
Đảng Tàu hỏa cao tốc cho Australia là một đảng chỉ có một chính sách duy nhất. Đảng này mong muốn sẽ có một mạng lưới tàu hỏa cao tốc trên cả nước và cam kết sẽ là một đảng ít gây “khó chịu” nhất.
Đảng WikiLeaks được thành lập nhằm ủng hộ việc giành một ghế ở Thượng viện bang Victoria cho Julian Assange. Anh này đã quay lại một video tranh cử của mình tại một nơi ẩn náu ở Đại sứ quán Ecuador ở London.
Đảng Cướp biển Australia vốn không hề có gì liên quan đến những tên cướp biển mà chỉ quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ.
Đảng Sex Australia- Ủy ban Bầu cử của Australia thậm chí đã phải quyết định xem tên của đảng này có mang ý nghĩa khiêu dâm hay không. Nhưng đoạn video tranh cử của đảng này rất “gợi cảm” và nhanh chóng được lan truyền trên mạng.
3. Bầu cử là bắt buộc
Theo luật nước này mọi công dân Australia trên 18 tuổi phải đi bầu cử. Nếu một công dân nào đã đăng kí đi bầu mà không bỏ phiếu và cũng không đưa ra được lí do thuyết phục thì có thể sẽ bị phạt.
Nếu như người đó không nộp phạt thì trường hợp của họ sẽ được chuyển lên tòa án. Nếu bị kết tội thì tiền nộp phạt có thể lên đến 100 bảng Anh cộng với tiền án phí.
Các cuộc bầu cử sẽ phải diễn ra ngày thứ Bảy bởi vì theo truyền thống đây là ngày mọi người không phải đi làm hoặc đi lễ nhà thờ.
4. Các trạm bỏ phiếu từ xa
Ngay cả khi sống ở những nơi hẻo lánh nhất trên thế giới ở Nam Cực người dân cũng phải tuân thủ luật bỏ phiếu.
Bất chấp việc ở xa tới 5.500km so với điểm bỏ phiếu chính thức gần nhất ở Tasmania, hơn 50 nhà khoa học và các nhân viên hỗ trợ họ ở Nam Cực vẫn phải chuyển phiếu bầu của họ qua tàu thủy hoặc qua một nhân viên được ủy quyền tại đó và nhân viên này sẽ gọi điện để công bố thay họ quyết định bỏ phiếu của họ.
5. Vạ miệng và “nổ” tưng bừng
Sự chú ý của truyền thông nước này trong đợt bầu cử đôi khi lại hướng về những “nạn nhân” tham gia tranh cử, những người bị “soi kĩ” vì những lời vạ miệng khủng khiếp của mình.
Lãnh đạo phe đối lập ông Abbot là đối tượng bị chú ý hàng đầu. Trong lời phát biểu với những người ủng hộ mình ở Melbourne, ông đã công kích danh tiếng của Thủ tướng Kevin Rudd vì việc đưa ra các quyết định của mình mà không thèm tham vấn đồng nghiệp.
Ông nói: “Không có ai, dù thông minh thế nào, có trình độ học vấn tốt đến đâu và từng trải đến đâu, có thể là “viên thuốc đặt hậu môn” mọi hiểu biết.
Rõ ràng ông định nói là có thể “có được” mọi hiểu biết do nói nhịu từ repository (nghĩa là có được) thành từ suppository (nghĩa là thuốc đặt hậu môn), mặc dù vậy ông vẫn giữ được bình tĩnh bất chấp những tiếng cười rộ lên của đám đông.
Ông này cũng đã tạo lên một “cơn bão” trong giới truyền thông khi ca ngợi Fiona Scott, một trong số các ứng cử viên của ông về vẻ đẹp “gợi dục” của cô.
Cô Fiona Scott sau đó cũng bị nhỡ mồm khi nói rằng những kẻ xin tị nạn là nguyên nhân chính gây tắc đường ở phía Tây Sydney.
Trong khi đó, ông Rudd đã bị cáo buộc gian dối trong cuộc tranh luận lần đầu giữa hai ứng cử viên bởi ông đã sử dụng những mẩu giấy có ghi chú.
Đến Thủ tướng Kevin Rudd cũng không tránh khỏi sai sót (Ảnh Reuters) |
Ngài Thủ tướng nói rằng ông hoàn toàn không làm gì sai vì không ai nói với ông rằng ông không được làm như vậy.
“Tôi muốn mình phải đạt được sự chính xác nhất có thể”, ông nói.
6. Những cuộc phỏng vấn tồi tệ nhất
Có lẽ một trong những cuộc phỏng vấn “đáng quên” nhất của chiến dịch tranh cử năm 2013 là cuộc phỏng vấn riêng một ứng cử viên 27 tuổi của đảng Một Quốc Gia vốn chủ chương chống việc nhập cư.
Stephanie Banister nghĩ rằng Hồi giáo là một quốc gia và người Do thái theo đạo Thiên chúa. Cô lập tức xin rút khỏi vị trí ứng cử ngay sau buổi phỏng vấn tồi tệ này.
Trong khi đó ứng cử viên James Diaz của Đảng tự do khoác lác rằng đảng của ông có một kế hoạch 6 điểm nhằm ngăn chặn những chiếc thuyền chở những người xin tị nạn vào Australia, nhưng ông thậm chí chỉ nêu được mỗi một điểm lớn là họ sẽ chặn những chiếc thuyền này.
7. Thách thức về di chuyển
Hàng triệu người sẽ đi bỏ phiếu trên toàn Australia ngày 7/9, một cơn “ác mộng” về di chuyển tại quốc gia lục địa này.
Đơn vị bầu cử quốc hội lớn nhất là tỉnh Durack ở bang Western Australia với diện tích bằng 3 lần nước Pháp, tương đương với 1.5 triệu km2.
Ngược lại, Wenworth ở ngoại ô phía Đông Sydney là khu vực bầu cử nhỏ nhất với diện tích chỉ 30km2 nhưng có đông dân cư nhất.
8. Quyền lợi của tù nhân
Tù nhân chịu án chung thân đang thi hành án dưới 3 năm có thể tham gia bầu cử liên bang theo qui định của Ủy ban Bầu cử nước này. Tuy nhiên những người thi hành án lâu hơn sẽ không được tham gia bầu cử.
Các tù nhân sẽ bầu cử thông qua các đội mang hòm phiếu di động trong thời gian 2 tuần trước ngày bầu cử hoặc gửi phiếu qua đường bưu điện.
Vào năm 2006, trong khi ở tù, Vickie Lee Roach đã tranh đấu trong một vụ kiện ở Tòa án tối cao và đánh bại nỗ lực của chính quyền John Howard nhằm xóa bỏ quyền đi bầu của mọi tù nhân.
9. Ảnh hưởng của truyền thông Murdoch
Ở Australia ông trùm Rupert Murdoch thống trị hoàn toàn giới truyền thông và ông cũng không ngần ngại nói rõ rằng ông muốn thay đổi chính quyền.
Hai trong số các tờ báo hàng ngày của ông, tờ Courier Mail và tờ Daily Telegraph, cực kì chống ông Kevin Rudd.
“Đá gã này ra ngoài” tờ Daily Telegraph đã giật một hàng tít rất lớn trên trang đầu của báo này. Tờ báo cũng mô tả ông Rudd như “Đại tá Klink”, một chỉ huy Đức Quốc xã vụng về trong vở hài kịch “Những anh hùng của Hogan” chiếu ở Mỹ những năm 60 của thế kỉ trước.
Ông Rudd trong bộ dạng của "Đại tá Klink" (Ảnh AFP) |
Trong khi đó, vài ngày trước cuộc bầu cử các đài truyền hình thương mại ở Australia từ chối phát đi một quảng cáo chỉ trích hãng News Corp.
Đoạn quảng cáo này được trả tiền bởi nhóm các nhà hoạt động xã hội GetUp cho thấy hình ảnh một người đàn ông sử dụng một tờ báo Courier-Mail để dọn phân chó.
“Nói với Rupert là chúng tôi sẽ tự lựa chọn chính quyền của mình,” diễn viên trong đoạn quảng cáo nói.
10. Những nơi tranh cử dễ dàng nhất
Mallee ở phía tây bắc bang Victoria đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh cử thực sự. Lần đầu tiên trrong 20 năm đảng Tự do sẽ liên minh với đảng Dân tộc.
Dù kết quả thế nào đi chăng nữa, đây cũng là một liên minh mạnh nhất trong cuộc bầu cử liên bang tại đây và Công đảng phải xoay được rất nhiều phiếu bầu mới mong giành được thắng lợi ở đây.
Gellibrand ở Victoria cũng là nơi an toàn nhất cho Công đảng trên toàn quốc, bất kì đảng phái nào khác muốn thắng cử ở đây sẽ phải giành được ít nhất 24% số phiếu./.