Bầu cử Pháp 2022: Nhiều ứng viên có nguy cơ bị loại sớm vì thiếu chữ ký bảo trợ
VOV.VN - Trong bối cảnh chỉ còn 100 ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022, các ứng cử viên đang tích cực vận động để đáp ứng quy định phải có chữ ký bảo trợ công khai của 500 đại biểu dân cử.
Theo Luật Bầu cử năm 1962 của Pháp, các ứng viên muốn tranh cử Tổng thống cần thu thập được ít nhất 500 chữ ký ủng hộ của đại biểu dân cử và phải công khai danh sách này trước Hội đồng Hiến pháp vào ngày 4/3 tới, một tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra.
Đứng thứ hai trong các cuộc thăm dò về khả năng thắng cử, nữ ứng cử viên Marine Le Pen, Chủ tịch đảng “Tập hợp quốc gia” theo đường lối cực hữu, cho biết mới chỉ dành được hơn 300 chữ ký ủng hộ. Sự xuất hiện thêm nhiều ứng cử theo đường lối cực hữu khác, nhất là nhân vật mới nổi Eric Zemmour của đảng “Chinh phục trở lại”, đã làm đại biểu ủng hộ xu hướng này bị phân tán.
Theo bà Marine Le Pen, yêu cầu công khai danh tính đại biểu ủng hộ đã lỗi thời và đang gây khó khăn, đặc biệt là đối với các ứng cử viên theo đường lối cực hữu.
“Việc tìm kiếm người ủng hộ rất là khó khăn. Tất cả những ai đại diện cho nhân dân đều có quyền ra tranh cử. Việc công khai danh tính không mang lại điều gì. Nó chỉ mang một điều là gây áp lực đối với các đại biểu có ý định bầu cho chúng tôi”, bà Le Pen nói.
Ứng cử viên dẫn đầu khối cánh tả, đồng thời là Chủ tịch đảng “Nước Pháp bất khuất” ông Jean-Luc Mélenchon mới chỉ thu thập được 400 chữ ký ủng hộ do thiếu sự ủng hộ của đảng Xã hội cánh tả truyền thống đang nắm quyền lực tại 5/12 vùng tại Pháp. Ông Jean-Luc Mélenchon chia sẻ với quan điểm của các ứng viên cực hữu, đề xuất sửa đổi quy định thu thập chữ ký của cử tri thay vì đại biểu dân cử để đảm bảo tính dân chủ.
Theo các nhà phân tích, yêu cầu tập hợp và công khai danh tính 500 đại biểu ủng hộ mang lại lợi thế không nhỏ cho các ứng viên xuất phát từ các chính đảng lớn, truyền thống và đang nắm quyền lực ở địa phương và trung ương như đảng Xã hội (PS), đảng “Những người Cộng hoà” (LR) hay đảng “Nền Cộng hoà tiến bước” (LREM) của đương kim Tổng thống Emmanuel Macron.
Đến nay, ngoại trừ ông Emmanuel Macron chưa chính thức tuyên bố tranh cử, chỉ có hai ứng cử viên là bà Anne Hidalgo của đảng Xã hội và Valérie Pécresse của đảng Những người Cộng hoà đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ bà Anne Hidalgo trong các cuộc thăm dò dư luận chỉ là 5%, kém xa các ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen và Éric Zemmour với lần lượt 15% và 13% số phiếu hay theo nhân vật cực tả Jean-Luc Mélenchon với tỷ lệ khoảng 11%.
Trong bối cảnh chỉ còn 100 ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, nếu không tập hợp đủ số đại biểu ủng hộ hoặc quy định bầu cử được sửa đổi, viễn cảnh những ứng cử viên đang dẫn đầu các cuộc thăm dò bị loại sớm khỏi cuộc đua là hoàn toàn có thể xảy ra./.