Bế tắc chính trị tại Thái Lan: Trọng trách “trên vai” quân đội

VOV.VN - Hiện chưa rõ những động thái tiếp theo của quân đội để tìm ra một giải pháp thông qua đối thoại giữa các bên liên quan.

Bế tắc chính trị tại Thái Lan vẫn chưa có lối thoát sau khi quân đội ban bố tình trạng thiết quân luật trong nỗ lực ngăn chặn bạo lực leo thang giữa các lực lượng ủng hộ và phản đối Chính phủ. Động thái này được đưa ra dựa trên một đạo luật của Thái Lan, đã đặt quân đội vào trung tâm của cuộc khủng hoảng hiện nay. Giới phân tích cho rằng nếu cuộc khủng hoảng không sớm được giải quyết thì tình hình Thái Lan sẽ càng diễn biến phức tạp và bất ổn hơn.  

Quân đội cho hay họ đang thực thi những bước đi cần thiết để bảo vệ trật tự và luật pháp (Ảnh: AP)

Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha hôm 21/5 đã chủ trì cuộc họp với các quan chức hàng đầu của đảng cầm quyền, đảng đối lập, Ủy ban Bầu cử và Thượng viện cũng như các thủ lĩnh của lực lượng biểu tình chống Chính phủ và lực lượng biểu tình ủng hộ Chính phủ.

Cuộc họp diễn ra một ngày sau khi quân đội ban bố tình trạng thiết quân luật trên cả nước nhằm lập lại trật tự. Một quan chức Chính phủ cho biết, quyền Thủ tướng Niwattumrong Boonsongpaisan cũng được mời song bận không tham dự. Thay vào đó là 5 Bộ trưởng Chính phủ có mặt tại cuộc họp.

Tuy nhiên, cuộc họp đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ kết quả nào. Phát biểu sau cuộc họp, người phát ngôn quân đội Srichan Ngathong cho biết, các bên sẽ tiếp tục nỗ lực đạt được một giải pháp mang tính đồng thuận: “Cả 7 đảng phái đã nhất trí rằng cần xem xét về những gì đã thảo luận và hiện thực hóa những điều đó trong thời gian sớm nhất, bởi dư luận Thái Lan đang chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến. Ít nhất là các đảng nhất trí sẽ sớm mang lại niềm vui cho người dân Thái”.

Tư lệnh lục quân Thái Lan đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp khác trong ngày hôm nay (22/5). Theo một đạo luật năm 1914 của Thái Lan, Quân đội có quyền tuyên bố tình trạng thiết quân luật, cho phép họ kiểm soát an ninh khắp đất nước, nếu có tình huống khẩn cấp.

Động thái này của quân đội Thái Lan có nguy cơ khiến những người ủng hộ Chính phủ xem như là một cuộc lật đổ. Tuy nhiên, Tướng Prayuth đã khẳng định việc thiết quân luật chỉ nhằm mục đích ngăn chặn bạo lực leo thang và hy vọng sẽ đưa các bên xung đột ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra một giải pháp cho tình trạng bế tắc chính trị hiện nay.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh hiện nay, cuộc khủng hoảng cần sớm được giải quyết và trọng trách hiện nay đang được đặt “trên vai” của quân đội. Chuyên gia Thitinan Pongsudthirak tại Đại học Chulalongkorn cho rằng: “Việc áp đặt tình trạng thiết quân luật đã đặt tướng Prayuth trước nhiều thách thức. Điều đó có nghĩa là quân đội có trách nhiệm với cuộc khủng hoảng hiện nay và ông ấy phải hành động nhanh. Cuộc khủng hoảng càng kéo dài thì quân đội sẽ càng đối mặt với nhiều nguy cơ”.

Khủng hoảng chính trị tại Thái Lan kéo dài suốt 6 tháng qua với hàng loạt cuộc biểu tình do phe đối lập phát động nhằm lật đổ Chính phủ. Đụng độ giữa các bên đã khiến gần 30 người chết và đây là lý do khiến quân đội ban bố tình trạng thiết quân luật.

Hiện chưa rõ những động thái tiếp theo của quân đội để tìm ra một giải pháp thông qua đối thoại giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, có thể thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa các lực lượng trong xã hội Thái Lan sẽ khó có thể được giải quyết trong một thời gian ngắn.

Việc Tòa án hiến pháp Thái Lan cách chức Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra hồi đầu tháng này trong một phán quyết gây tranh cãi đã đẩy căng thẳng tăng cao. Phe "Áo đỏ" ủng hộ bà Yingluck đã cảnh báo về mối đe dọa của cuộc nội chiến nếu quyền lực được giao cho một nhà lãnh đạo khác.

Trong khi đó, lực lượng biểu tình chống Chính phủ tuyên bố có kế hoạch biểu tình lớn từ ngày 23-25/5, để buộc nội các tạm quyền phải từ chức và bổ nhiệm Thủ tướng mới. Ông Suthep Thaugsuban, người đứng đầu lực lượng này coi đây là “trận chiến cuối cùng” và sẽ đầu thú nếu thất bại. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ông này nói về cái gọi là trận chiến cuối cùng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên