Bị bắn 52 phát đạn cao su vào mặt, cậu bé vĩnh viễn mất đôi mắt
VOV.VN - Cậu bé 15 tuổi vĩnh viễn mất đôi mắt khi cảnh sát bắn đạn cao su vào đám đông trong cuộc biểu tình hôm 2/7 về tình trạng thiếu gas sinh hoạt ở Venezuela.
Các bác sĩ cho biết cậu bé Rufo Chacon 15 tuổi đã vĩnh viễn mất đôi mắt do phải hứng chịu 52 viên đạn cao su vào mặt, trong đó 16 viên đã bắn thẳng vào hai mắt.
Rufo Chacon và gia đình cậu bé ở Tariba, Tachira, Venezuela. Ảnh: CNN |
Một báo cáo của cảnh sát điều tra vụ việc cho biết, lực lượng an ninh đã nổ súng đàn áp đám đông mà không hề cảnh báo. Hai người biểu tình vị thành niên khác cũng bị thương ở đầu. Một trong số đó là em trai của Rufo, Adrian 14 tuổi, người đã bị dùi cui của cảnh sát đánh vào đầu. Cả hai đứa trẻ đã cùng mẹ đến đây, bà Adriana Parada, để phản đối tình trạng thiếu gas nấu ăn trong khu vực.
Cậu bé Rufo vẫn không chịu từ bỏ hy vọng. Cậu trả lời CNN với giọng chắc chắn và cân nhắc từng lời: “Tôi muốn lấy lại ánh sáng của mình. Tôi đang có vô vàn các cảm xúc trong lòng. Tôi có thể khóc ngay bây giờ nhưng tôi không chịu đựng được hơn nữa. Tôi đã khóc đủ trong bệnh viện.”
Sau cuộc biểu tình, các nhà chức trách Venezuela tuyên bố hai sĩ quan đã bị buộc tội “cố ý giết người, sử dụng vũ khí không đúng cách và đối xử tàn ác” khi đối phó với người biểu tình. Cả hai hiện đang chờ xét xử. Tuyên bố của văn phòng Công tố liên bang cũng như bài đăng trên twitter của công tố viên liên bang, Tarek William Saab, đều đề cập cụ thể đến trường hợp của Rufo.
Các vùng Andean ở miền tây Venezuela từ lâu đã nổi tiếng với các cuộc biểu tình chống lại chính phủ. Từ năm 2014, nơi đây đã trở thành “cái nôi” của rất nhiều vụ đụng độ dữ dội nhất ở nước này.
Các bác sĩ tại bệnh viện trung ương San Cristobal cho biết tất cả những gì họ có thể làm là lấy ra những gì còn sót lại trong mắt của Rufo. Cậu bé vẫn có nguy cơ bị nhiễm trùng do một số mảnh đạn cao su vẫn còn lưu lại ở trong mặt và đầu của cậu bé, chúng đi vào quá sâu khiến phẫu thuật cũng khó lấy ra được.
Nhưng Rufo chỉ ở bệnh viện 4 ngày sau khi các bác sĩ quyết định rằng việc ở trong cơ sở tồi tàn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Các bệnh viện công ở Venezuela đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc khủng hoảng trong những năm gần đây: thiếu nguồn nhân lực và nguồn nhân lực trình độ hạn chế, nhiều cơ sở thiếu các tiêu chuẩn vệ sinh đơn giản như nước máy hay thông gió, trong khi các loại thuốc men còn khan hiếm.
Trở về nhà ở Tariba, một khu dân cư nông thôn nhỏ trên những ngọn đồi xung quanh San Cristobal, Rufo ngủ chung giường với bà của mình. Mẹ và hai em trai ngủ trên chiếc giường còn lại. Bà Adriana Parada từng làm việc cho tòa thị chính của Tariba hồi năm ngoái, nhưng sau đó bà đã cùng hơn 4 triệu người khác trốn khỏi đất nước, tìm kiếm công việc với mức lương cao hơn để hỗ trợ gia đình.
Sau 6 tháng ở Colombia, bà trở về nước vào cuối tháng 6 để dự lễ tốt nghiệp của con trai. Hiện tại, bà chia sẻ không biết làm thế nào để chăm sóc đứa con tội nghiệp của mình và liệu bà có thể rời đi làm việc được nữa không.
Ở nhà, Rufo luôn bị lũ ruồi bu do có hai vết thương hở ở mắt. Trong nhà cậu không có điều hòa và mất điện đã trở thành thông lệ. Rufo cho biết: “Mỗi ngày sẽ có từ 3-4 lần mất điện, thậm chí thỉnh thoảng còn mất nguyên nửa ngày.”
Bất chấp những cuộc biểu tình, tình trạng thiếu gas vẫn tiếp diễn. Trước khi nền kinh tế Venezuela sụp đổ, hầu hết mọi người ở Tariba đều nấu ăn bằng gas cung cấp bởi một công ty nhà nước với mức giá quy định. Nhưng hiện tại, dù có trữ lượng hydrocarbon lớn, gas ở nước này vẫn ngày càng khan hiếm. Những người có đủ khả năng sẽ mua gas ở chợ đen. Rufo nói gia đình cậu đã không thể mua gas nấu ăn từ đầu tháng Tư.
Rufo chia sẻ rằng ước mơ của cậu là trở thành kỹ sư phần mềm nhưng bây giờ giấc mơ ấy đang trở nên xa vời hơn bao giờ hết. “Tôi đã tốt nghiệp trung học năm nay và tôi muốn học đại học ngành kỹ sư phần mềm. Dù bất kể chuyện gì xảy ra, tôi vẫn muốn đi học đại học. Tôi rất muốn đến Mỹ, bằng cách nào đó xin thị thực và đến một đất nước có nền công nghệ phát triển hơn.”
Sau vụ việc, hoàn cảnh của Rufo nhanh chóng được biết đến trong giới người nói tiếng Tây Ban Nha. Vào đêm cùng ngày xảy ra vụ việc, ngôi sao âm nhạc người Puerto Rican, Don Omar đã đăng tải hình ảnh Rufo bị thương lên tài khoản Instagram của anh, cáo buộc các sĩ quan bắn quá thấp.
Rất nhiều người trên thế giới mong muốn chi trả phí điều trị cho cậu bé, từ Mexico, Tây Ban Nha và Mỹ. Một phòng khám ở Colombia đã đề nghị được thực hiện phương pháp cấy ghép mắt miễn phí cho cậu bé. Mẹ của Rufo, bà Adriana cũng đã mở một tài khoản Instagram để nhận sự giúp đỡ về tài chính cho gia đình. Nhưng do sự kiểm soát trao đổi tiền tệ ở nước này, nền kinh tế Venezuela vẫn bị ngăn cách với thế giới bên ngoài và họ chỉ có thể nhận nguồn đóng góp nội địa.
Hành động của Don Omar có ý nghĩa đặc biệt với Rufo, một cậu bé rất yêu âm nhạc. Rufo nói: “Trước vụ tai nạn, tôi đã viết được 1 nửa bài hát của mình. Tôi không có lời bài hát ở đây nhưng tên bài hát là ‘Bài hát hồi sinh’. Tôi viết bài hát này vì tôi đã luôn cố nhìn xã hội dân sự theo một cách khác. Ở đây mọi thứ xung quanh đều hỗn loạn. Nhưng mẹ tôi đã dạy tôi nghĩ khác"./.