Bị dồn ép phải từ chức, Tổng thống Brazil quyết chiến đấu đến cùng
VOV.VN - Tổng thống Brazil Dilma Rousseff tuyên bố sẽ chiến đấu “tới giờ phút cuối cùng chống lại âm mưu đảo chính” đang diễn ra tại Quốc hội nước này.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh có thêm một đảng phái rút khỏi liên minh cầm quyền và bà Rousseff đang phải đối mặt với một phiên tòa luận tội có thể quyết định sự nghiệp chính trị của bà vào ngày 17/4 tới.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff . Ảnh AP
Trả lời phỏng vấn của các phóng viên, về việc Ủy ban Đặc biệt tại Hạ viện đã bỏ phiếu ngày 11/4 thông qua việc đưa Tổng thống ra xét xử tại Quốc hội, Tổng thống Brazil Rousseff cho rằng, Chính phủ có đủ mọi điều kiện để giành thắng lợi tại cơ quan lập pháp.
Về việc một số chính đảng trong liên minh cầm quyền đã quay lưng lại với Chính phủ trong thời điểm khó khăn hiện nay, bà Rousseff cho rằng, đây là một cuộc chiến tâm lý nhằm tạo ra hiệu ứng domino.
Bà Rousseff cũng chỉ trích Phó Tổng thống Michel Temer và Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, cả hai đều là thủ lĩnh của đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB), chính đảng lớn nhất ở nước Nam Mỹ và đã tham gia liên minh với Chính phủ tới cuối tháng 3 vừa qua. Theo bà Rousseff, hai ông này đã chủ mưu tiến hành đảo chính.
“Rõ ràng có hai nhà lãnh đạo cùng phối hợp với nhau để tiến hành một cuộc đảo chính có tính toán trước. Tôi xin nhắc lại rằng, việc xúc tiến bỏ phiếu luận tội Tổng thống của một lãnh đạo trong Chính phủ nhằm thay thế Tổng thống chính là một cuộc đảo chính”, bà Rousseff nói.
Tuyên bố của bà Rousseff được đưa ra trong bối cảnh nỗ lực tránh bị luận tội của bà gặp vô vàn khó khăn khi càng có nhiều đảng quay lưng với bà. Đảng Tiến bộ (PP) ngày 13/4 cũng quyết định rút khỏi liên minh cầm quyền.
Lãnh đạo Đảng Tiến bộ Aguinaldo Ribeiro)cho biết: “Chúng tôi đã có cuộc họp nội bộ Đảng. Hầu hết 47 nghị sỹ trong đảng của chúng tôi sẽ bỏ phiếu ủng hộ luận tội bà Rousseff. Quyết định này có được dựa trên sự thống nhất của các thành viên trong đảng”.
Cùng ngày, 22 nghị sĩ Đảng Cộng hòa Brazil (PRB) nhận được lệnh bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội Tổng thống, nếu không sẽ phải đối mặt các biện pháp kỷ luật, trong đó có việc khai trừ khỏi đảng. Tháng trước, Đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB), đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền, cũng “dứt áo ra đi”.
“Cơn bão” chính trị nổi lên ở Brazil sau khi Cựu Tổng thống bị bắt giữ
Dự kiến trong 24 giờ tới, Hạ viện Brazil sẽ họp phiên toàn thể để xem xét có tổ chức bỏ phiếu bãi nhiệm bà Rousseff vào ngày 17/4 hay không. Theo quy định, tiến trình luận tội cần sự ủng hộ của 2/3 thành viên Hạ viện (342/513 nghị sĩ) mới được đưa lên thượng viện xem xét và bỏ phiếu tiếp.
Theo các cuộc thăm dò gần đây (trước khi Đảng Tiến bộ đưa ra quyết định trên), 300 hạ nghị sĩ ủng hộ luận tội nhà lãnh đạo Brazil, trong lúc có 125 người phản đối và 88 người chưa quyết định. Nếu Hạ viện thông qua với 2/3 số phiếu, vụ việc sẽ được chuyển lên Thượng viện.
Trong trường hợp 41 trên tổng số 81 nghị sĩ tại Thượng viện thông qua, bà Rousseff sẽ phải rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày, nhường chỗ cho ông Temer.
Với dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2016 chỉ từ 2,95% đến 2,99%, sự nghèo nàn về kinh tế rõ ràng đang thu hẹp dần cơ hội chèo chống của Tổng thống Rousseff./.