Bị Mỹ quay lưng về vấn đề Iran, Pháp nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga?
VOV.VN - Chuyến thăm Nga của Tổng thống Pháp Macron là cơ hội để hai bên khẳng định luôn để mở cánh cửa đối thoại và hợp tác.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong tuần này có chuyến thăm chính thức Nga và có cuộc gặp với người đồng cấp Vladimir Putin. Bất chấp những bất đồng lớn giữa Pháp và Nga trong thời gian qua về các vấn đề quốc tế lớn, việc Tổng thống Pháp khẳng định mối quan hệ “lịch sử” với Nga hay cách gọi xưng hô thân mật với Tổng thống Putin cho thấy mối quan hệ giữa hai nước này đang có cơ hội được cải thiện, mở ra hi vọng giải quyết được nhiều vấn đề quốc tế nóng, trước hết là thỏa thuận hạt nhân Iran hay cuộc khủng hoảng Syria.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/Getty.
Đánh giá sau cuộc hội đàm, Tổng thống Nga Putin cho rằng, cuộc gặp diễn ra trong không khí cởi mở và rất có ích, trong khi Tổng thống Pháp nhận định là thẳng thắn và hiệu quả. Trả lời phỏng vấn báo chí trong chuyến thăm, Tổng thống Macron cũng tuyên bố, Pháp công nhận vai trò mới của Nga trong các mối quan hệ quốc tế, trong đó có vai trò ở Trung Đông, đồng thời khẳng định giá trị mối quan hệ lịch sử giữa Pháp và Nga.
“Tổng thống Putin là người có tầm nhìn chiến lược về mối quan hệ giữa Nga và châu Âu. Tôi cũng đề cao giá trị lịch sử mối quan hệ giữa Pháp và Nga. Điều đó được thể hiện qua chuyến thăm của tôi tới St. Petersburg cũng như lời mời Tổng thống Putin tới Pháp. Người dân hai nước luôn có sự tôn trọng và tăng cường đối thoại lẫn nhau”, ông Macron nói.
Chuyến thăm tới Nga của Tổng thống Pháp diễn ra sau khi châu Âu, đặc biệt là Pháp thất vọng với quyết định của Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tổng thống Pháp được cho là một thuyết khách đáng tin cậy nhất trong nỗ lực thuyết phục Mỹ duy trì thỏa thuận này, nhưng cũng không thành công.
Chính vì vậy, giới quan sát cho rằng, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã đẩy Nga và Pháp hay nói cách khác là châu Âu trên một con thuyền chung.
Tổng thống Nga Putin khẳng định sẽ ủng hộ nỗ lực của Pháp duy trì thỏa thuận này: “Iran đã thực hiện các cam kết của Thỏa thuận do đó sẽ không có sơ sở để hủy bỏ thỏa thuận này. Việc xóa bỏ thỏa thuận này sẽ mang lại các hậu quả đáng tiếc. Tôi hoan nghênh lập trường của Pháp và cả châu Âu nhằm duy trì thỏa thuận”.
Sự xích lại giữa hai cường quốc này cũng là tín hiệu tốt đối với một loạt các hồ sơ nóng quốc tế khi Tổng thống Macron khẳng định, là hai nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nga và Pháp nên đạt được các bước tiến trong một loạt các vấn đề như Trung Đông, Iran, Syria, Ukraine… Hai bên có thể hợp tác song phương hay đa phương để tìm ra một giải pháp cho các cuộc khủng hoảng.
Thực tế cho thấy còn nhiều rào cản và thách thức để mối quan hệ giữa Nga và Pháp nói riêng hay với Liên minh châu Âu được cải thiện. Mối quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu thời gian qua được cho là đang ở mức thấp nhất sau cuộc khủng hoảng Ukraine với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea khiến EU áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Mối quan hệ Nga và EU cũng nổi sóng thời gian gần đây liên quan đến cuộc chiến tại Syria, cáo buộc Nga bắn hạ máy bay MH17 tại Ukraine hay vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh. Mặc dù mong muốn mong muốn duy trì, xây dựng mối quan hệ với Nga, song các quan chức Pháp vẫn thừa nhận cần phải tuân theo khuôn khổ của châu Âu. Ngay trước chuyến thăm đến Nga, Tổng thống Pháp tuyên bố thẳng sẽ không có chuyện dỡ bỏ trừng phạt Nga nếu tình hình tại Ukraine không có chuyển biến.
Tuy vậy, có thể nói chuyến thăm tới Nga lần này chưa giúp cho các hồ sơ lớn tiến triển ngay và cụ thể, nhưng cũng là cơ hội để hai bên khẳng định luôn để mở cánh cửa đối thoại và hợp tác, đặt nền móng cải thiện mối quan hệ giữa Nga và Pháp nói riêng hay với EU nói chung./.