Biden khó có thể đảo ngược di sản của Trump với Trung Quốc chỉ sau 1 đêm
VOV.VN - Sự nhất trí chung trong lưỡng đảng và phần lớn công chúng Mỹ về lập trường cứng rắn với Trung Quốc khiến chính sách của ông Biden không thể “đảo ngược” di sản của ông Trump chỉ sau 1 đêm.
Những ngày tốt đẹp của quan hệ Mỹ - Trung đã trôi qua
Ngày càng có nhiều cuộc thảo luận ở Mỹ giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về chính sách của chính quyền mới với Trung Quốc. Một số bài báo thậm chí đã nhận định rằng chính quyền Tổng thống Trump hiện đang nỗ lực ngăn cản chính quyền ông Biden thay đổi các chính sách với Bắc Kinh.
Dẫn lời các quan chức trong chính quyền Mỹ, một bài báo gần đây của CNN cho biết: "Những người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong chính quyền Tổng thống Trump tin rằng có những hành động nhất định mà họ có thể tiến hành hiện nay để cản trở chính quyền ông Biden".
Axios là trang đầu tiên đưa tin về lập trường trên khi cho biết Tổng thống Trump sẽ "thực hiện một số chính sách cứng rắn trong 10 tuần cuối cùng để củng cố di sản của ông về Trung Quốc. Ông ấy sẽ khiến cho chính quyền ông Biden không thể thay đổi về mặt chính trị các chính sách được".
Điều mà bài báo này ám chỉ là chính quyền Tổng thống Trump lo ngại ông Biden sẽ có các chính sách riêng với Trung Quốc.
Dĩ nhiên, Bắc Kinh đoán trước được điều này sẽ xảy ra. Một cựu quan chức thương mại cấp cao của Trung Quốc, đồng thời là thành viên trong hội đồng điều hành của Hội Nghiên cứu Tổ chức Thương mại Thế giới của Trung Quốc He Weiwen nhận định: "Ông Biden sẽ không bận tâm đến bức tường thành mà ông Trump dựng lên cho ông ấy. Ông ấy có thể khiến bức tường thành đó sụp đổ, cũng giống như điều tương tự Tổng thống Trump đã làm với di sản của Tổng thống Barack Obama".
Dù vậy, một cố vấn chính phủ Trung Quốc đã cảnh báo rằng, Bắc Kinh phải từ bỏ ảo tưởng quan hệ Mỹ - Trung sẽ tự động tốt đẹp hơn dưới thời chính quyền ông Biden mà thay vào đó cần chuẩn bị cho một lập trường cứng rắn hơn từ Washington.
Zheng Yongnian, chủ nhiệm một viện nghiên cứu Trung Quốc ở Thâm Quyến cho rằng Trung Quốc không nên bỏ lỡ cơ hội cải thiện quan hệ với Mỹ song không nên cho rằng mối quan hệ với Mỹ sẽ quay lại trước thời điểm Donald Trump trở thành Tổng thống.
"Những ngày tốt đẹp xưa kia đã trôi qua, những quan điểm cứng rắn ở Mỹ về một cuộc Chiến tranh Lạnh đã củng cố trong những các năm qua và sẽ không biến mất chỉ qua một đêm", ông Zheng nhận định.
Mối quan hệ Mỹ - Trung đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi Bắc Kinh và Washington thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức cách đây 40 năm khi 2 nước xung đột với nhau trên một loạt vấn đề từ thương mại, nhân quyền cho tới cách phản ứng với đại dịch Covid-19.
Sự đối đầu giữa hai bên ngày càng tăng lên và một cuộc khảo sát gần đây nhất của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy hơn 70% người Mỹ có ấn tượng xấu về Trung Quốc.
Chuyên gia Trung Quốc cũng cảnh báo, sự xung đột về các giá trị có thể sẽ gia tăng dưới thời ông Biden.
"Sự khác biệt ở đây là ông Trump là một doanh nhân nên cư xử khó đoán trong khi ông Biden là một chính trị gia nên cư xử thường dễ đoán hơn. Vì thế, ông Trump cứng rắn với Trung Quốc một cách cảm tính trong khi ông Biden cứng rắn một cách lý tính", ông Zheng nhận định thêm.
Các bài báo ở Trung Quốc thừa nhận đã có các cuộc tiếp xúc phía sau với vòng tròn thân cận của ông Biden. Quyết định của Trung Quốc khi gửi lời chúc mừng tới ông Biden cho thấy Bắc Kinh muốn gửi đi một thông điệp tới ứng viên đảng Dân chủ về việc làm tan băng mối quan hệ hai bên bất chấp những bước lùi hiện tại.
Ông Biden sẽ làm mới chính sách với Trung Quốc như thế nào?
Trên thực tế, đã có những cuộc thảo luận khác nhau đang diễn ra ở Mỹ về việc đối phó với thách thức từ phía Trung Quốc như kiểu chính sách thương mại nào sẽ có hiệu quả hay cuộc chiến công nghệ sẽ đi xa tới đâu. Nhận định rằng những căng thẳng hay khác biệt là không thể tránh khỏi trong quan hệ Mỹ - Trung song các nhà quan sát cũng cho rằng 2 nước không cần thiết phải sẵn sàng cho một cuộc xung đột.
Dưới thời ông Biden, một chính sách mang tính xây dựng hơn với Trung Quốc có thể sẽ được thiết kế. Tuy nhiên, các cố vấn của ông Biden cũng đang đặt câu hỏi liệu hướng tiếp cận của ông Trump có thực sự thay đổi chính sách của Trung Quốc không. Thách thức của chính quyền ông Biden là định hình các chính sách mới về thương mại và biến đổi khí hậu mang tính cạnh tranh hơn nhằm khiến Trung Quốc phải hành động theo cách mà Mỹ muốn.
Cụm từ có thể đặt tên cho chính sách này của ông Biden là "cạnh tranh chiến lược". Theo Eurasia Review, chính sách kiềm chế Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Trump, được đánh dấu bằng 1 chiến lược theo 3 hướng là chiến tranh thương mại, phong tỏa công nghệ và tấn công về hệ tư tưởng đã không đạt được những kết quả đáng kể. Nhà quan sát M.K. Bhadrakumar cho rằng, trung tâm của vấn đề là do việc Washington tiến hành chiến tranh kinh tế hay đối đầu quân sự toàn diện với Bắc Kinh là một kế hoạch thiếu thực tế khi xem xét tới khoảng cách quyền lực giữa 2 bên đang thu hẹp nhanh chóng.
Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đang gây ra những tổn thất kinh tế nặng nề ở Mỹ. Một chính sách mới nhằm kiềm chế Trung Quốc trên quy mô lớn ngay cả về ngắn hạn cũng là một thách thức. Do đó, chính quyền ông Biden có thể sẽ tìm một giải pháp mang tính cấu trúc trong chính sách với Trung Quốc nhằm tập trung vào nỗ lực phục hồi sau đại dịch trước.
Nhìn chung, sự cải thiện nhất định trong quan hệ song phương Mỹ - Trung có thể sẽ diễn ra vào năm 2021. Chính sách với Trung Quốc của ông Biden sẽ thực dụng hơn. Mặc dù vẫn có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa 2 nước và thậm chí gay gắt hơn ở các lĩnh vực công nghệ cao song bầu không khí trong quan hệ 2 bên sẽ cải thiện.
Chắc chắn, ông Biden có xu hướng tìm cách hợp tác hiệu quả hơn với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong toàn bộ chương trình nghị sự. Tuy nhiên, ưu tiên trước tiên của ông Biden sẽ là giữ ổn định quan hệ Mỹ - Trung. Gần đây, ông Biden đã thừa nhận ông chỉ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh còn Nga mới là mối đe dọa nghiêm trọng nhất với vị thế toàn cầu của Mỹ.
Ông Biden có thể sẽ nỗ lực phá vỡ cái gọi là liên minh Nga - Trung song nếu không thể thực hiện mục tiêu này, ông sẽ khiến Trung Quốc giữ quan điểm trung lập khi công kích điện Kremlin./.