Biến chủng D614G của SARS-CoV-2 lây lan nhanh nhưng ít gây tử vong hơn
VOV.VN - Theo chuyên gia Singapore, biến chủng của SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cho nhiều người hơn nhưng ít gây tử vong hơn.
D614G – một biến chủng của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở châu Âu và Bắc Mỹ và gần đây là ở các khu vực của châu Á, có khả năng lây nhiễm cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, theo ông Paul Tambyah, Giám Đốc Hiệp hội về các bệnh truyền nhiễm quốc tế, biến chủng này có thể ít gây tử vong hơn.
“Có lẽ đó điều tốt khi có một biến chủng của virus có khả năng lây nhiễm cao hơn nhưng lại ít gây tử vong hơn”, ông Tambyah nói, đồng thời lưu ý rằng virus thường ít gây tử vong hơn khi chúng đã đột biến.
Chuyên gia Tambyah nói thêm rằng: “Biến chủng của virus có khả năng lây nhiễm cho nhiều người hơn nhưng tỷ lệ tử vong không cao do virus phụ thuộc vào vật chủ để sinh tồn”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo các nhà khoa học phát hiện biến thể D614G vào hồi đầu tháng 2 và biến thể này đã lây lan ở Mỹ và châu Âu. Gần đây, nó được phát hiện ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Ấn Độ, Malaysia và Philippines.
Ngày 16/8, Tổng Giám đốc Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah đã kêu gọi công chúng nên cẩn thận hơn sau khi phát hiện đột biến D614G của virus SARS-CoV-2 tại 2 cụm dịch của nước này. Ông Noor Hisham cảnh báo biến chủng này có khả năng lây nhiễm cao gấp 10 lần so với những chủng khác và điều này có thể gây khó khăn cho quá trình nghiên cứu vaccine.
Tuy nhiên, ông Tambyah và Sebastian Maurer-Stroh – chuyên gia thuộc Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu Singapore cho rằng, đột biến của virus khó có thể làm giảm hiệu quả của vaccine Covid-19 tiềm năng./.