Biểu tình phản đối chính sách khắc khổ tại Pháp và châu Âu
(VOV) - Tại Thủ đô Paris, theo số liệu của cảnh sát, đã có hơn 5.000 người tham gia các cuộc tuần hành.
Ngày 14/11, được gọi là “Ngày Hành động và đoàn kết toàn Châu Âu”, các tổ chức công đoàn của 22 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi người dân xuống đường biểu tình phản đối chính sách khắc khổ đang được áp dụng tại nhiều nước châu Âu.
Biểu tình và đình công diễn ra nghiêm trọng nhất tại những nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng nợ công như: Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Tại Pháp, trong ngày 14/11 cũng đã diễn ra hơn 130 cuộc tuần hành.
Tại Pháp, mặc dù không có lời kêu gọi đình công và biểu tình trên quy mô lớn nhưng trong ngày 14/11, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn các nghiệp đoàn châu Âu (CES), 5 tổ chức công đoàn lớn của Pháp đã kêu gọi người dân xuống biểu tình tuần hành.
Tại Thủ đô Paris, theo số liệu của cảnh sát, đã có hơn 5.000 người tham gia các cuộc tuần hành - Ảnh minh họa |
Ước tính đã có hơn 130 cuộc tuần hành diễn ra tại nhiều thành phố lớn trên khắp nước Pháp như: Paris, Marseille, Lille, Lyon, Nice, Reines... Những người biểu tình mang theo các khẩu hiệu chống lại các chính sách khắc khổ đang được áp dụng tại các nước châu Âu, coi đó là nguyên nhân khiến châu Âu chìm sâu hơn vào tình trạng đình trệ và suy thoái kinh tế.
Tại Thủ đô Paris, theo số liệu của cảnh sát, đã có hơn 5.000 người tham gia các cuộc tuần hành. Đây là cuộc tuần hành đầu tiên do hai tổ chức công đoàn CGT và CFDT tổ chức kể từ khi đảng Xã hội trở lại nắm quyền ở Pháp. Cuộc tuần hành cũng có sự tham gia của hai lãnh tụ công đoàn là Bernard Thibault và François Chérèque.
Ông François Chérèque cho biết: “Có quá nhiều chính sách khắc khổ tại các nước châu Âu, ảnh hưởng tới nền kinh tế, gây khó khăn cho đời sống của người dân ở các nước Nam Âu và gây ra nạn thất nghiệp tại tất cả nước nước châu Âu. Do đó, chúng ta cần phải làm hai việc sau: Một mặt cần thúc đẩy hơn nữa việc phục hồi nền kinh tế của châu Âu và mặt khác cần làm thế nào để các nước đang gặp khó khăn như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha có thể có thêm thời gian có thể thoát khỏi tình trạng nợ công”.
Tại thành phố cảng Marseille, nơi được coi là diễn ra một trong những cuộc biểu tình phản đối lớn nhất nước Pháp trong ngày 14/11, các nhà tổ chức đã ghi nhận có hơn 20.000 người xuống đường phản đối cuộc khủng hoảng nợ công. Nhiều người biểu tình cũng tỏ ra lo ngại về tương lai của đất nước, lo ngại các nước sẽ theo Hy Lạp tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng.
Ảnh hưởng và hậu quả của các cuộc biểu tình có thể nhận thấy ngay lập tức là đối với hệ thống giao thông khi trong ngày 14/11, nhiều chuyến bay của Pháp đi các nước châu Âu đã phải hoãn lại, trong khi phần lớn các chuyến bay đi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã bị hủy bỏ.
Khác với Pháp, cuộc tổng đình công và biểu tình đã diễn ra trên diện rộng tại Italia, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Biểu tình và đình công diễn ra nghiêm trọng tại Bồ Đào Nha khiến hệ thống đường sắt và đường hàng không của nước này bị đình trệ, các trường học bị đóng cửa và hệ thống y tế bị ngưng trệ.
Đối với Tây Ban Nha, đây cũng là cuộc tổng đình công và biểu tình lớn thứ hai tại nước này trong năm 2012 chống lại chính sách khắc khổ nhằm tiết kiệm một khoản chi tiêu công trị giá 150 tỷ Euro từ nay đến năm 2014. Tại Thủ đô Madrid và hai thành phố lớn khác của Tây Ban Nha là Valencia và Barcelona đã xảy ra một số đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động với những người biểu tình; làm khoảng 30 người bị thương và 80 người bị bắt giữ.
Tại Italia, cuộc đình công trong 4 giờ và các cuộc biểu tình do tổ chức công đoàn chính của nước này CGIL tổ chức nhằm phản đối các chính sách kinh tế hà khắc của chính phủ đã thu hút hàng nghìn người tham gia. Trong khi đó, tại Hy Lạp, cảnh sát ước tính đã có hơn 10.000 người xuống đường biểu tình nhằm thể hiện sự đoàn kết với các tổ chức công đoàn ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha./.