Biểu tình tiếp diễn trên khắp Israel bất chấp sự nhượng bộ của thủ tướng
VOV.VN - Biểu tình phản đối kế hoạch “đại tu tư pháp” vẫn diễn ra trên khắp Israel ngày hôm qua (1/4), bất chấp việc Thủ tướng Netanyahu đã tạm hoãn việc thông qua kế hoạch cải cách tại Quốc hội.
Người biểu tình Israel mong muốn chính phủ có thể “hủy bỏ hoàn toàn việc cải cách tư pháp” và tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình với Palestine để có thể có được nền dân chủ thực sự.
Các cuộc biểu tình tại Israel không có dấu hiệu giảm bớt sau tuyên bố trì hoãn kế hoạch đại tu tư pháp của Thủ tướng Netanyahu, để giành “không gian và thời gian” cho các bên đối thoại.
Người biểu tình lo ngại việc Thủ tướng Netanyahu tạm dừng thúc đẩy các đạo luật cải cách chỉ để xoa dịu làn sóng biểu tình và là một biện pháp câu giờ, trước khi có hành động mạnh hơn trong kỳ họp mùa Hè của Quốc hội Israel.
Theo ghi nhận của truyền thông Israel, có khoảng 150.000 người Israel hôm qua (1/4) xuống đường biểu tình trên phạm vi toàn quốc, trong đó trung tâm vẫn là thành phố Tel Aviv.
“Chúng tôi sẽ giành chiến thắng bởi vì đây không phải là điều mà chúng ta có thể sống cùng. Chúng ta không thể sống trong một quốc gia không dân chủ. Vì vậy, đó là cuộc chiến đến cùng và chúng ta sẵn sàng trả giá rất lớn để giành được điều này”.
“Những người hôm nay đến đây để chiến đấu cho tương lai. Chúng tôi cảm thấy rằng tương lai của mình đang gặp nguy hiểm và một khi mọi người cảm thấy rằng tương lai của họ đang gặp nguy hiểm, họ không muốn nói chuyện với kẻ gây ra nguy hiểm cho họ. Chúng ta không có lý do gì để đàm phán. Điều chúng tôi muốn là ngăn chặn sự hủy diệt tương lai của chúng tôi”.
Hiện chính phủ Israel và các bên phản đối kế hoạch cải cách tư pháp đã bắt đầu đàm phán, với sự chủ trì của Tổng thống Isaac Herzog.
Giới quan sát Israel cho rằng, làn sóng phản kháng hiện tại không phải do một hoặc một vài phong trào phát động mà là hàng chục nhóm độc lập. Vì vậy, rất khó để cùng khiến hàng chục nhóm phong trào này dừng biểu tình.
“Những gì phong trào của chúng tôi muốn là một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine, điều đó có nghĩa là chúng tôi muốn các nhà lãnh đạo của chúng tôi ở cả hai bên ngồi xuống và nói chuyện. Chúng tôi tin rằng chừng nào chúng tôi còn ở trong lãnh thổ Palestine với tư cách là một lực lượng chiếm đóng, thì không thể là một nền dân chủ thực sự. Và đó là lý do tại sao chúng tôi đã tham gia các cuộc biểu tình chung vì dân chủ chống lại cuộc đại tu tư pháp”.
Nhiều quan chức trong chính quyền Israel cũng chỉ ra rằng, việc hoãn bỏ phiếu sẽ không chấm dứt được sự phẫn nộ trong xã hội. Thay vào đó, ông Netanyahu phải công khai thừa nhận sai lầm trong việc dẫn dắt cuộc cải cách tư pháp này.
Còn theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, việc Thủ tướng Netanyahu và các bên liên quan đạt được một thỏa thuận thỏa đáng với các bên thì có thể sẽ đưa ra một dự luật cải cách mang tính ôn hòa, dễ dàng được chấp nhận. Điều này cũng sẽ giúp làn sóng biểu tình thuyên giảm./.