Bộ Tài chính Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch cứu trợ 700 tỷ USD

Trong tuần này, 9 ngân hàng lớn tại Mỹ sẽ nhận được khoản tiền cứu trợ tài chính trị giá 125 tỷ USD của Chính phủ Mỹ.

Đây là phần đầu tiên trong kế hoạch cứu trợ 700 tỷ USD đã được Quốc hội nước này thông qua ngày 3/10 nhằm hạn chế ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đang làm chao đảo kinh tế thế giới hiện nay.

Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ David Nason cho biết các thỏa thuận với 9 ngân hàng trên đã được ký tối 26/10 và Chính phủ sẽ bắt đầu mua cổ phiếu của 9 ngân hàng trong tuần này. Những thoả thuận trên được cho sẽ góp phần cân bằng cán cân thu chi của các ngân hàng và giúp các định chế tài chính này trở lại khả năng cho vay bình thường.

Kể từ khi được Quốc hội Mỹ thông qua, kế hoạch cứu trợ tài chính trị giá 700 tỷ USD trên đã có sự thay đổi quan trọng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson quyết định sử dụng 250 tỷ USD trong số đó để mua cổ phiếu trực tiếp từ các ngân hàng - động thái được xem là quốc hữu hóa một phần hệ thống ngân hàng của Mỹ - như là cách để bơm tiền vào hệ thống tài chính nhanh chóng hơn. Dự kiến trong những tháng tới, Chính phủ Mỹ sẽ chi 100 tỷ USD để mua các tài sản xấu của các ngân hàng.

Theo ông Nason, hiện Bộ Tài chính Mỹ đang xem xét những ngân hàng khu vực lớn tiếp theo sẽ được nhận một khoản mua cổ phiếu trị giá 125 tỷ USD khác vào cuối năm nay. Ngoài ra, bộ này cũng đang nghiên cứu một số yêu cầu được nhận tiền từ kế hoạch cứu trợ tài chính trị giá 700 tỷ USD của nhiều hãng bảo hiểm, hãng sản xuất ô tô và ngân hàng do nước ngoài kiểm soát tại Mỹ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên