Bộ trưởng tài chính Mỹ thăm Trung Quốc
VOV.VN - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm nay 5/4 bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc. Đây là lần thăm trực tiếp thứ hai của bà Yellen tới Trung Quốc kể từ tháng 7/2023.
Bà Yellen bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 5 ngày tại Quảng Châu, một trong những trung tâm xuất khẩu và công nghiệp lớn của Trung Quốc. Phát biểu tại một sự kiện do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức trước đại diện của hơn 40 doanh nghiệp Mỹ, bà Yellen cho biết sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về năng lực dư thừa trong công nghiệp và những gì mà Mỹ coi là hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc:
“Dư thừa công suất không phải là vấn đề mới, nhưng nó ngày càng trầm trọng hơn và chúng ta đang thấy những rủi ro mới nổi trong các lĩnh vực mới. Cụ thể, sự hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp của chính phủ hiện đang dẫn đến năng lực sản xuất vượt quá đáng kể nhu cầu nội địa của Trung Quốc. Tôi tin rằng việc giải quyết tình trạng dư thừa công suất và nói chung hơn là xem xét các cải cách dựa trên thị trường là lợi ích của Trung Quốc . Như tôi đã nói trước đây, Trung Quốc quá lớn để xuất khẩu theo hướng tăng trưởng nhanh. Và nếu các chính sách chỉ định hướng vào việc tạo ra nguồn cung và không phải ở việc tạo ra nhu cầu, sẽ dẫn đến sự quá tải trên toàn cầu."
Tuần trước, trong một bài phát biểu tại Atlanta, bà Yellen cho biết sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc dẫn đến sản xuất quá mức các mặt hàng như thép và nhôm, mở đường cho hàng xuất khẩu giá rẻ, bóp méo thị trường ở đối tác nhập khẩu. Tình trạng này đang lập lại ở lĩnh vực pin năng lượng mặt trời, xe điện và pin lithium-ion. Chính quyền của Tổng thống Biden ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc sản xuất quá nhiều xe điện, tấm pin mặt trời, chất bán dẫn và các hàng hóa khác đang tràn vào thị trường toàn cầu trong khi nhu cầu sụt giảm ngay trong Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng tuyên bố rằng nước này “sẽ không loại trừ” thuế quan để đáp trả việc Trung Quốc sản xuất các sản phẩm năng lượng xanh được trợ cấp nhiều. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định, đây không phải là chính sách chống Trung Quốc mà là nỗ lực của Mỹ nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự xáo trộn kinh tế toàn cầu không thể tránh khỏi nếu Trung Quốc không điều chỉnh chính sách.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc bác bỏ những lo ngại của Mỹ về năng lực sản xuất của Trung Quốc, xem đó như một tiêu chuẩn kép “đánh vào Trung Quốc”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong tuần này đã cáo buộc Mỹ can thiệp vào thương mại tự do bằng cách hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc.
"Mỹ đã áp dụng các biện pháp hạn chế kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ đối với Trung Quốc một cách vô tận. Danh sách trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc ngày càng dài hơn, và điều này không phải để loại bỏ rủi ro mà là tạo ra rủi ro. Nếu Mỹ sẵn sàng hợp tác cùng có lợi và chia sẻ lợi ích từ sự phát triển của Trung Quốc, cánh cửa của Trung Quốc luôn rộng mở, nếu Mỹ nhất quyết ngăn chặn sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc và tước bỏ quyền phát triển hợp pháp của Trung Quốc, chúng tôi sẽ không ngồi yên.”
Dự kiến bà Janet Yellen sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Phó thủ tướng Hà Lập Phong và một số quan chức cấp cao của Trung Quốc để thảo luận về những vướng mắc hiện nay giữa hai nước, trong đó có các thách thức trong môi trường kinh doanh đang gây hạn chế đầu tư của các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc. Trích dẫn một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 1/3 các công ty Mỹ ở Trung Quốc nói rằng họ đã bị đối xử bất công so với các đối thủ cạnh tranh địa phương.