Bộ Tứ QUAD và sự kết nối thực chất trong khu vực
VOV.VN - Hội nghị thượng đỉnh của nhóm “Bộ Tứ kim cương” hay còn gọi là nhóm QUAD gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ diễn ra ngày 24/5 tại Tokyo là một trong những sự kiện họp thượng đỉnh quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của khu vực trong năm 2022.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh, kinh tế, dịch bệnh và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày một phức tạp, vì thế đây được xem là cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác mới giữa 4 quốc gia với những cam kết ngày càng mạnh mẽ hơn.
Ngoài việc tái khẳng định quyết tâm của nhóm trong việc bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhóm QUAD còn thảo luận và đưa ra loạt sáng kiến liên quan đến thương mại và an ninh khu vực.
Tạo đà cho hợp tác mới
Hội nghị thượng đỉnh của nhóm “Bộ Tứ kim cương” được xem là cơ hội để 4 quốc gia gồm Mỹ, Nhật Bản Ấn Độ và Australia dung hòa khác biệt và tìm kiếm đà hợp tác mới.
Trong Tuyên bố chung, lãnh đạo 4 nước đánh giá rằng hội nghị đã làm mới được những giá trị không thay đổi đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, bền vững và bao trùm, thống nhất được nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến vấn đề về hòa bình, ổn định của khu vực, đảm bảo sức khỏe người dân trước đại dịch Covid-19, đầu tư cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, an ninh mạng và tầm quan trọng của công nghệ số.
Về hòa bình và ổn định khu vực và thế giới, trong tuyên bố đã đánh giá ảnh hưởng của nguy cơ nhân đạo xung quanh xung đột Nga-Ukraine, từ đó biểu hiện quyết tâm mạnh mẽ của 4 nước trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Lãnh đạo 4 nước nhấn mạnh rằng trung tâm trật tự thế giới chính là tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, Luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia. Tất cả các quốc gia phải giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
Các nhà lãnh đạo cũng cho rằng việc hợp tác với các đối tác của khu vực có cùng tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở là rất quan trọng. Theo đó, 4 nước đã tái xác nhận sự ủng hộ không thay đổi đối với việc thực hiện ASEAN phát triển có liên quan đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các bên cũng đã đề cập tới việc duy trì an ninh hàng hàng hải, tự do hàng không dựa trên luật pháp quốc tế, phản đối mạnh mẽ hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng, hành vi khiêu khích gây căng thẳng trong khu vực và làm phương hại đến hoạt động phát triển tài nguyên trên biển của các nước khác… Ở góc độ này, Hội nghị đã nhắc đến Trung Quốc và hoạt động của nước này tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông, nghĩa là tiếp tục đối kháng với Trung Quốc trong vấn đề này.
Một vấn đề quốc tế quan trọng không thể không nhắc rới đó là vấn đề phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. 4 nhà lãnh đạo đã thống nhất tầm quan trọng của việc thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, giải quyết vấn đề công dân bị bắt cóc, phê phán mạnh mẽ hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa mang lại sự bất ổn cho khu vực và thế giới.
Nhiều vấn đề quan trọng của thế giới có liên quan riêng rẽ tới từng nước đã được cụ thể hóa trong hoạt động hợp tác của 4 nước đối với khu vực.
Kết nối thực chất
Các nước trong khu vực rất quan tâm đến thực chất 4 nước này sẽ có hành động cụ thể như thế nào đối với các nước trong khu vực. Đây cũng chính là sự kết nối thực chất nhất. Không phải khi 4 nước tạo ra khuôn khổ hợp tác mới này mới có những đầu tư hay viện trợ cho các nước khu vực, mà từ trước đó các nước riêng rẽ đã có những hoạt động thực tế. Tại Hội nghị này, lãnh đạo 4 nước cam kết trong vòng 5 năm tới, một khoản đầu tư và viện trợ khoảng 50 tỷ USD sẽ được thực hiện cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm viện trợ cho các nước đang phát triển có khó khăn về tài các khoản nợ, viện trợ nhân đạo và hỗ trợ phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Ấn Độ sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ bằng việc cung cấp thông tin vệ tinh cho các nước trong khu vực.
Về tình hình dịch Covid-19 và việc đảm bảo an toàn sức khỏe, các bên đã thống nhất vai trò chủ đạo trong việc đóng góp cho hoạt động chống dịch trên toàn thế giới nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe tốt hơn và tăng cường hệ thống y tế. Cụ thể viện trợ khoảng 5,2 tỷ USD cho các nước đang phát triển bao gồm việc cung cấp vaccine…
Và một góc độ mang tính kết nối ở đây, trước tiên là phải làm thế nào để 4 nước có tiếng nói chung trong mọi vấn đề. Ví dụ như trong vấn đề liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, Ấn Độ là một nước có quan hệ hữu hảo với Nga và đã bỏ phiếu chống tại Liên Hợp Quốc về vấn đề của Nga. Do đó, không thể ép buộc nước này thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga giống như Nhật Bản, Mỹ đang thực hiện, mà phải từng góc độ mà xem xét. Vì vậy, trong Tuyên bố chung tại hội nghị lần này, không có mục riêng rẽ về xung đột Nga-Ukraine như tuyên bố chung Nhật-Mỹ trước đó mà chỉ đề cập tới vấn đề hòa bình và ổn định của khu vực bị ảnh hưởng những yếu tố nào mà thôi.
Tóm lại, yếu tố liên kết khu vực theo tôi là phải vừa đảm bảo tính thống nhất trong các nước trong nhóm liên quan đến những vấn đề riêng của từng nước, bên cạnh đó phải tạo ra những ảnh hưởng thực chất về kinh tế, chính trị, an ninh…đối với các nước trong khu vực.
Tân Thủ tướng Australia ra mắt ấn tượng
Trong nhiều chục năm nay, quan hệ Australia và Trung Quốc nguội lạnh. Năm 2020, Australia đã đưa ra đề xuất cần phải điều tra độc lập về nguồn gốc phát sinh dịch Covid-19 và đã bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ. Theo đó, Trung Quốc liên tục thực hiện các biện pháp cấm nhập hàng hóa từ Australia.
Tháng 4 năm nay, Trung Quốc đã ký Hiệp định an ninh với quần đảo Solomon là quần đảo Nam Thái Bình Dương có vị trí cách hơn 2.000km từ phía Đông Bắc Australia. Do đó, Australia để nâng cao năng lực kinh tế và quân sự ở khu vực và tạo thế đối kháng với Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng tân Thủ tướng mới có thể có những chính sách thay đổi đối với Trung Quốc, nhưng việc hợp tác với các nước trong khuôn khổ QUAD không thay đổi.
Ông Anthony Albanese là người của Công đảng và đảng này đã có chính sách đối ngoại rõ ràng mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ; hợp tác trong khuôn khổ Bộ Tứ, AUKUS và quan hệ với các nước láng giềng gần gũi.
Đảng này còn chú trọng tới chính sách đối với khu vực Thái Bình Dương thông qua các chương trình viện trợ mới trị giá 525 triệu AUD để đảm bảo xây dựng “gia đình Thái Bình Dương vững mạnh và an toàn”. Bên cạnh đó, Công đảng cũng sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại giao, hợp tác quốc phòng, an ninh, khí hậu, tăng cường kết nối người dân và thông tin giữa Australia với các quốc gia ở Thái Bình Dương.
Trong hội nghị lần này, tân Thủ tướng Anthony Albanese mong muốn tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 5 tại Australia. Đây là một yếu tố cho thấy tân Thủ tướng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước trong nhóm bên cạnh chính sách mà đảng của ông đã thực hiện trước đó./.