Brazil mở cuộc điều tra vụ tham nhũng chấn động
VOV.VN - Cuộc điều tra liên quan đến 40 tội danh nhằm vào 54 cá nhân bao gồm 21 hạ nghị sĩ và 12 thượng nghị sĩ liên bang.
Thể theo yêu cầu của cơ quan công tố Brazil, Tòa án Tối cao Liên bang nước này đã đồng ý mở cuộc điều tra nhằm vào các chính trị gia bị nghi hưởng lợi từ vụ án tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Công tố viên trưởng Rodrigo Janot đã yêu cầu tòa án cho phép mở các cuộc điều tra liên quan đến 40 tội danh khác nhau như gian lận, đưa và nhận hối lộ, rửa tiền nhằm vào 54 cá nhân, bao gồm 21 hạ nghị sĩ và 12 thượng nghị sĩ liên bang.
Hầu hết các nhân vật này thuộc liên minh cầm quyền do đảng Lao động của đương kim nữ Tổng thống Dilma Rousseff. Những nghị sỹ đáng chú ý nhất trong số này có hai Chủ tịch hạ và thượng viện, Renan Calheiros và Eduardo Cunha. Đây là hai thành viên của Phong trào Dân chủ rất có thế lực trong quốc hội Brazil.
dầu khí quốc gia Petrobras - Brazil. (Ảnh: Internet).
“Không nhất thiết phải đợi đến khi cuộc điều tra kết thúc để khảo sát tư cách đạo đức của thành viên quốc hội. Nếu có bằng chứng cho thấy các nghị sỹ có tội thì họ sẽ bị Hội đồng đạo đức của Uỷ ban về Hiến pháp và tư pháp tước tư cách nghị sỹ”, Nghị sỹ Antonio Imbassahy cho hay.
Vụ bê bối chưa từng có gây chấn động trên bị phanh phui khi Paulo Roberto Costa, cựu giám đốc bộ phận cung ứng của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras bị bắt vào tháng 3/2014. Khi đó, Costa khai đã nhận hối lộ từ mạng lưới rửa tiền tham nhũng qui mô lớn do các doanh nghiệp xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil là đối tác của Petrobras cấu kết thành lập. Đổi lại, các doanh nghiệp trên có được các hợp đồng từ Petrobras.
Hồi tháng Giêng năm nay, cảnh sát Brazil đã bắt giữ cựu giám đốc bộ phận quốc tế của Petrobras, ông Nestor Cervero do nghi ngờ có hành vi tham nhũng và rửa tiền.
Ngoài ra, hàng chục lãnh đạo của các doanh nghiệp xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil cũng đã bị bắt giam. Cảnh sát Brazil ước tính khoảng 4 tỉ USD đã được đường dây này hợp pháp hóa để hối lộ cho hàng loạt chính trị gia và lãnh đạo Petrobras.
Một phần số tiền trên, theo các công tố viên, có thể được hối lộ theo hình thức ủng hộ tài chính cho chiến dịch tranh cử của các đảng chính trị, bao gồm đảng Lao động của bà Rousseff và các đảng khác trong liên minh cầm quyền. Vụ bê bối không chỉ ảnh hưởng đến chính trường Brazil mà còn tác động đến nền kinh tế nước này khi Petrobras, tập đoàn mũi nhọn của ngành kinh tế trọng điểm quốc gia phải hủy hoặc tạm ngưng nhiều dự án đầu tư./.