Brazil sa lầy trong cuộc khủng hoảng kép về chính trị và kinh tế
VOV.VN - Thượng viện Brazil ngày 6/12 bác bỏ quyết định của Tòa án Tối cao về việc đình chỉ chức vụ của Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros.
Ông Renan Calheiros là nhân vật thân tín nhất của Tổng thống Michel Temer và cũng là người có thế lực trong đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) cầm quyền.
Người dân Brazil cảm nhận rõ cuộc khủng hoảng chính trị-kinh tế trầm trọng tại quốc gia Nam Mỹ này. Ảnh: Reuters
Thượng viện Brazil nêu rõ, sẽ không tuân thủ quyết định đình chỉ đối với người đứng đầu Thượng viện cho tới khi Tòa án Tối cao họp phiên toàn thể với 11 thẩm phán và đưa ra quyết định chính thức trong ngày hôm nay (7/12).
Quyết định đình chỉ chức vụ của ông Calheiros được đưa ra ngay trước thời điểm ông này chuẩn bị phải ra tòa vì cáo buộc nhận hối lộ trong vụ tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Theo Cơ quan Tư pháp Brazil, ông Calheiros bị cáo buộc lợi dụng ảnh hưởng để tạo thuận lợi cho công ty xây dựng Mendes Junior giành hợp đồng, đổi lại công ty này trang trải chi phí nuôi một người con ngoài giá thú của ông.
Động thái trên của Tòa án Tối cao và việc Chủ tịch Thượng viện Calheiros phải ra hầu tòa khiến cuộc khủng hoảng giữa Quốc hội và Tòa án Tối cao Brazil trở nên trầm trọng trong lúc các cuộc điều tra tham nhũng ở Petrobas ngày càng mở rộng và có thêm nhiều chính trị gia liên đới.
Hiện Cơ quan Tư pháp Brazil vẫn tiếp tục mở rộng điều tra vụ Petrobas, bị phanh phui từ tháng 3/2014, gây chấn động chính trường nước này. Hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra.
Trước đó, căng thẳng gia tăng giữa Quốc hội và Tòa án Tối cao Brazil sau khi Hạ viện nước này ngày 30/11 vừa qua thông qua một dự luật, trong đó có quy định hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao trong các hoạt động điều tra tham nhũng.
Quyết định này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận Brazil, dẫn tới làn sóng biểu tình rầm rộ tại nhiều thành phố lớn ở nước này, nhằm phản đối Quốc hội, tình trạng tham nhũng và yêu cầu tiếp tục điều tra vụ Petrobas, cũng như đề cao vai trò của Tòa án Tối cao trong hoạt động điều tra tham nhũng.
Chính trường Brazil đang ngày càng rối ren, thêm vào đó nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ này cũng đang lún sâu vào suy thoái, đẩy Brazil đối mặt với cuộc khủng hoảng “kép” được đánh giá là tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.
Bê bối tham nhũng tại tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobas cùng những hé lộ về các chính trị gia có liên quan khiến Brazil, đất nước nhiều năm trước từng là hình mẫu đầu tàu về thành công phát triển kinh tế của khu vực Mỹ Latin.
Giờ đây, quốc gia này lại đang sa lầy vào một cuộc khủng hoảng chưa thấy hồi kết. Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng ở Brazil? Tại thời điểm này, đó có lẽ vẫn là câu hỏi mà khó ai có thể đưa ra lời giải đáp./.