Brexit đứng trước cơ hội cuối cùng
VOV.VN - Tiến trình đàm phán Brexit tiếp tục bế tắc trong 3 vấn đề mấu chốt: thương mại công bằng, quản trị và nghề cá.
Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã quyết định sẽ có các cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp tại Brussels ngay trước thềm thượng đỉnh Liên minh châu Âu 10-11/12 tới. Đây là nỗ lực gần như mang tính quyết định cuối cùng nhằm né tránh một Brexit không thỏa thuận.
Trong thông cáo phát đi sau cuộc điện đàm lần thứ 2 trong 2 ngày liên tiếp với chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Layen vào cuối ngày 7/12, phủ thủ tướng Anh cho biết ông Boris Johnson sẽ trực tiếp sang Brsussels để đàm phán về thỏa thuận Brexit. Cuộc gặp thượng đỉnh này dự kiến diễn ra muộn nhất vào ngày 9/12 để kịp trình lên hội nghị thượng đỉnh EU ngày 10-11/12.
Để tạo đà cho cuộc gặp với phía EU tới đây, chính phủ Anh đã đưa ra động thái mang tính nhượng bộ khi thông báo nước này có thể xóa bỏ các điều khoản luật vi phạm thỏa thuận Brexit trong dự luật Thị trường Nội địa Anh vừa được Hạ viện Anh thông qua cũng như sẽ xem xét các điều khoản trong dự luật khác nếu đàm phán tiến triển. Đây gần như sẽ là cơ hội cuối cùng để hai bên đạt được một thỏa thuận khi thời hạn cuối ngày 31/12 đang đến gần.
Ngoại trưởng Cộng hòa Ireland, Simon Coveney nhận định: “Hai ngày tới sẽ cần phải cho kết quả khác với trước đây. Nhưng để đàm phán thành công, cần phải có sự can thiệp chính trị ở cấp cao nhất mới có thể cho phép các nhà đàm phán đạt được một thỏa thuận mà hai bên có thể chấp nhận”.
Về phía EU, báo cáo trước Hội đồng châu Âu ngày 7/12, Trưởng đoàn đàm phán Brexit ông Michel Barnier cho biết đàm phán chưa có thêm tiến triển và hai bên nhất trí tạm đình chỉ quá trình này. Ông Barnier cũng thừa nhận thời gian không còn nhiều và việc có đạt được thỏa thuận hay không sẽ phụ thuộc vào cuộc gặp tới đây giữa Thủ tướng Anh và Chủ tịch EU.
Trong thông cáo gửi đi tối cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu bà Von de Layen cho biết, các điều kiện cần thiết để hoàn tất một thỏa thuận giữa EU và Anh chưa đạt được do vẫn còn những bất đồng lớn trong 3 chủ đề quan trọng nhất là sân chơi thương mại công bằng, quản trị và nghề cá. Trong nội bộ EU, Pháp và Hà Lan là những quốc gia có quan điểm cứng rắn nhất. Pháp thậm chí đe dọa dùng quyền phủ quyết nếu thỏa thuận Brexit không đảm bảo quyền lợi của Pháp trong các bất đồng then chốt trên.
Phát biểu trong một cuộc họp báo gần đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Quan điểm của Pháp trong vấn đề Brexit là không thay đổi. Chúng tôi yêu cầu một thỏa thuận đảm bảo mối quan hệ bình đẳng giữa Anh và EU trong tương lai. Pháp cũng sẽ không chấp nhận một thỏa thuận ảnh hưởng đến quyền lợi của Pháp về lâu dài. Quyền lợi đánh bắt cá của ngư dân Pháp tại vùng biển của Anh là một trong những điều kiện tiên quyết, bên cạnh đó vấn đề sân chơi thương mại công bằng”.
Các chuyên gia nhận định ngay cả khi hai bên quyết tâm tiến tới 1 thỏa thuận thì thời gian cũng là một thách thức. Cả Anh và EU đều cần có thời gian để Quốc hội của hai bên thông qua bất cứ thỏa thuận nào mà cả đoàn đàm phán đạt được. Khả năng tiến hành thêm các cuộc đàm phán vào năm 2021 đã được nhắc tới trong nội bộ châu Âu, nhưng đây lại là điều mà Thủ tướng Anh đến nay vẫn kiên quyết bác bỏ. Hội nghị thượng đỉnh EU tới đây dự kiến cũng sẽ xem xét các phương án khẩn cấp cho một kịch bản không thỏa thuận./.