BRICS mang đến những lợi ích cho kinh tế thế giới

Nhóm BRICS có số dân chiếm 42% dân số thế giới và GDP chiếm 18% thế giới.

Sáng 14/4, lãnh đạo 5 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) bắt đầu họp tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc, để thảo luận và củng cố quan điểm về các vấn đề kinh tế cũng như quốc tế quan trọng.

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm BRICS với chủ đề "Nhìn về tương lai, cùng hưởng phồn vinh" chủ yếu tập trung vào việc tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các nước thành viên về cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế, kiềm chế sự biến động về giá hàng hóa, tình trạng biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tich Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh: “Đã có những bất ổn chính trị, thậm chí là một cuộc chiến tranh đang diễn ra tại một số nước Tây Á và Bắc Phi trong những ngày gần đây, điều đó ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực. Tất cả những dấu hiệu đó còn cho thấy rằng vẫn có một chặng đường dài phải đi trước khi chúng ta có thể hiện thực hoá nền hoà bình lâu dài và sự thịnh vượng chung của thế giới”.

Theo dự thảo tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS phản đối việc sử dụng vũ lực tại Trung Đông và Bắc Phi; hối thúc các bên có liên quan tiến hành đối thoại và không can thiệp vào công việc của các nước. Về vấn đề này, Tổng thống Nga Medvedev khẳng định: “Tôi có thể kết luận rằng, chìa khoá để giải quyết vấn đề chỉ có thể đạt được thông qua một giải pháp chính trị - ngoại giao và không phải thông qua việc sử dụng vũ lực”.

Đây là hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ ba, song là hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc và sau khi nhóm này có thêm thành viên thứ năm là Nam Phi. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm tổ chức tại Nga năm 2009 và hội nghị lần thứ hai diễn ra tại Brazil năm 2010.

Nhóm BRICS có số dân chiếm 42% dân số thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm 18% GDP thế giới và kim ngạch thương mại chiếm 15% trong năm ngoái. Nhóm BRICS ngày càng phát huy vai trò tích cực, trở thành đầu tàu thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), phần đóng góp của nhóm này cho tăng trưởng kinh tế thế giới tăng từ 13,1% năm 2000 lên hơn 60% trong năm 2010. Đây cũng là nhận xét của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hội nghị.

Ông Dương Khiết Trì cho rằng: “Các nền kinh tế của 5 nước thành viên Nhóm BRICS đã cho thấy sự lôi cuốn và đây cũng là một động lực quan trọng cho nền kinh tế thế giới. Hội nghị lần này có sự tham dự của Tổng thống Nam Phi. Tôi tin rằng Nhóm BRICS sẽ đóng vai trò như một nền tảng mới để thúc đẩy sự hợp tác Nam-Nam và đối thoại Bắc-Nam. Tăng cường sự hợp tác giữa các nước thành viên Nhóm BRICS sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho người dân các nước, mà còn mang lại lợi ích cho thế giới”.

Tuy vậy, phát biểu với báo chí trước khi Hội nghị Nhóm BRICS khai mạc, Đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk nói rằng, số phận các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu phụ thuộc vào việc Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil có sẵn sàng đi đến một thoả thuận, qua đó mở cửa thêm các thị trường của ba nước cho hàng hoá và dịch vụ của nước ngoài hay không? Theo ông Ron Kirk, trong vòng 10 năm qua, không một nước nào được hưởng lợi nhiều hơn Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil thông qua tiến trình tự do hoá thương mại.

Cùng ngày, các nhà lãnh đạo năm nước thành viên nhóm đã ra tuyên bố chung kết thúc hội nghị.

Theo tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo nhóm BRICS cam kết ủng hộ cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế nhằm thiết lập một hệ thống dự trữ tiền tệ quốc tế qui mô lớn, ổn định và đáng tin cậy; hối thúc tăng cường giám sát tài chính quốc tế và phối hợp chính sách để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các thị trường tài chính toàn cầu; kêu gọi các nền kinh tế đang nổi chú ý những rủi ro của các luồng vốn đầu tư ồ ạt qua biên giới; nhấn mạnh tình trạng giá cả hàng hóa bất ổn, đặc biệt giá lương thực và năng lượng, tạo ra thách thức to lớn đối với quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu; kêu gọi nỗ lực mở rộng khả năng sản xuất hàng hóa, tăng cường đối thoại giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng nhằm cân đối cung-cầu đồng thời tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển về vốn và công nghệ.

Tuyên bố chung Tam Á cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình bất ổn tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Tây Phi, nhấn mạnh cần phải tránh sử dụng vũ lực trong giải quyết bất ổn tại khu vực; cam kết duy trì hợp tác trong Hội đồng Bảo an về vấn đề Libya và hối thúc các bên liên quan giải quyết bất đồng thông qua hòa bình và đối thoại.

Lãnh đạo các nước BRICS ủng hộ sáng kiến của Ủy ban cấp cao Liên minh Châu Phi về vấn đề Libya, nhấn mạnh rằng LHQ và các tổ chức trong khu vực cần thể hiện vai trò thích hợp trong vấn đề này; tái khẳng định sự cần thiết cải tổ LHQ, trong đó có Hội đồng Bảo an, để tổ chức quốc tế này mang tính đại diện hơn, hoạt động tích cực và có hiệu quả hơn để ứng phó tốt hơn trước những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên