BRICS thống nhất cơ chế xem xét thành viên mới
VOV.VN - Ngày 24/8, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 sẽ bế mạc tại thành phố Johannesburg của Nam Phi. Các nhà lãnh đạo khối BRICS đã thống nhất cơ chế xem xét thành viên mới, đồng thời kêu gọi hợp tác, minh bạch và toàn diện hơn để đảm bảo trật tự quốc tế công bằng và bình đẳng.
Đến nay, khoảng 40 quốc gia bày tỏ quan tâm vấn đề gia nhập BRICS, trong đó 23 nền kinh tế đã có đơn gia nhập chính thức. Nhìn chung, các nước trong BRICS đều công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch mở rộng khối, song thách thức nằm ở quan điểm khác biệt giữa các nước thành viên về các tiêu chuẩn, tiêu chí và quy trình của một nhóm mở rộng sẽ như thế nào.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết, 5 quốc gia thành viên BRICS sẵn sàng mở rộng nhóm với các thành viên mới trong bối cảnh nhóm này theo đuổi tầm ảnh hưởng lớn hơn trong việc định hình trật tự thế giới.
“Làn sóng chủ nghĩa bảo hộ mới và tác động tiếp theo của các biện pháp đơn phương không phù hợp với các quy định của WTO làm suy yếu sự tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu. Do đó, chúng tôi cần tái khẳng định quan điểm của mình rằng tăng trưởng kinh tế phải được củng cố bởi tính minh bạch, tính toàn diện. Nó phải tương thích với một hệ thống thương mại đa phương hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển”, ông Ramaphosa nói.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, BRICS là một lực lượng quan trọng trong việc định hình bối cảnh quốc tế vào thời điểm thế giới bước vào thời kỳ hỗn loạn và chuyển đổi mới:
“Chúng ta phải nêu cao tinh thần cởi mở, bao trùm và hợp tác cùng có lợi của BRICS, cho phép thêm nhiều quốc gia gia nhập gia đình BRICS, tập hợp trí tuệ và sức mạnh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển quản trị toàn cầu theo hướng công bằng và hợp lý hơn”, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh.
Trung Quốc sẽ nghiên cứu việc thành lập Nền tảng hợp tác ứng dụng và dữ liệu vệ tinh viễn thám toàn cầu BRICS để cung cấp hỗ trợ về dữ liệu cho lĩnh vực nông nghiệp, bảo tồn sinh thái và giảm thiểu thiên tai ở nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài ra nước này cũng sẽ làm việc với tất cả các bên liên quan để cùng thiết lập Khung BRICS về Hợp tác Công nghiệp vì Phát triển Bền vững.
Tham dự trực tuyến qua đầu cầu kết nối từ Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ thúc đẩy việc hiện thực hóa hơn nữa chiến lược hợp tác kinh tế của BRICS đến năm 2025 và phát triển các lộ trình hợp tác dài hạn mới. Một trong số đó là tăng cường vai trò của các nước chúng ta trong hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế, phát triển hợp tác liên ngân hàng, hợp tác sâu sắc hơn trong các hoạt động thuế, hải quan và chống độc quyền, tăng cường phát triển các mối quan hệ nhân đạo nói chung”.
Về phía Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc mở cửa cho các thành viên mới: “Ấn Độ hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng tư cách thành viên BRICS và chúng tôi hoan nghênh tiến tới thực hiện điều này dựa trên sự đồng thuận. Năm 2016, trong nhiệm kỳ chủ tịch của Ấn Độ, chúng tôi đã xác định BRICS là một nhóm xây dựng các giải pháp mang tính phản ứng, toàn diện và tập thể. Bảy năm sau, chúng tôi có thể nói rằng BRICS sẽ phá vỡ các rào cản, phục hồi nền kinh tế, truyền cảm hứng đổi mới, tạo cơ hội và định hình tương lai”.
Sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên trong các giao dịch thương mại và tài chính nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ cũng là một nội dung đáng lưu tâm khác được thảo luận sôi nổi tại hội nghị kéo dài 3 ngày này. Các nhà quan sát nhận định, sự trỗi dậy của BRICS đang cho thấy khả năng chuyển dịch quyền lực từ Bắc Bán cầu sang Nam Bán cầu và sự lớn mạnh hơn của các quốc gia mới nổi, các nước đang phát triển. Tiềm năng của BRICS đang được bộc lộ ở nhiều sáng kiến khác nhau và các nước thành viên của khối này hiện đã sẵn sàng thiết lập một chương trình cải cách cho trật tự kinh tế toàn cầu hiện nay.