Bức tranh Covid-19 “muôn màu” trên thế giới 24 giờ qua
VOV.VN - Thế giới 24 giờ qua chứng kiến bức tranh dịch bệnh Covid-19 muôn màu, với những diễn biến khác nhau, thậm chí là đối lập tại nhiều khu vực trên thế giới.
Hôm qua (29/5), người dân Brazil tại hơn 200 thành phố và thị trấn đã đổ ra đường, đòi luận tội Tổng thống Jair Bolsonaro vì cách xử lý đại dịch Covid-19.
“Chính phủ đang không giúp ích chúng tôi, nó không phục vụ nhân dân, trong khi những chính sách đang giết hại người dân đất nước này. Chúng tôi xuống đường vì không còn cách nào khác”.
“Hãy luận tội Tổng thống ngay bây giờ. Tôi không thể chịu đựng được ông ấy nữa. Sẽ có nhiều người chết vì dịch bệnh hơn nếu ông ấy còn lãnh đạo. Còn bao nhiêu người chết nữa trước khi có một phiên luận tội ông ấy”.
Theo các cuộc thăm dò mới nhất, người dân Brazil ngày càng bất mãn với cách xử lý dịch bệnh của vị Tổng thống cực hữu, với hơn 57% người dân hiện ủng hộ luận tội ông.
Hiện Quốc hội nước này cũng đang tiến hành một cuộc điều tra về các phản ứng của Tổng thống đối với cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng, chẳng hạn, Tổng thống đã nhiều lần coi Covid-19 là “bệnh cúm nhỏ” và phản đối các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh như giãn cách xã hội hoặc phong tỏa.
Tuy nhiên, Tổng thống Bolsonaro không thừa nhận những phản ứng của ông là “sai lầm”, khẳng định rằng việc ông phản đối giãn cách hoặc phong tỏa là để bảo vệ sinh kế cho người dân Brazil.
Khác với các cuộc biểu tình tại Brazil, tại Anh và Bỉ hôm qua cũng diễn ra các cuộc biểu tình song mục đích của chúng là đối lập hoàn toàn. Người dân các quốc gia châu Âu này phản đối các lệnh phong tỏa, phản đối việc tiêm chủng vaccine hay những cuốn hộ chiếu vaccine y tế:
“Chúng tôi đang hướng tới Nghị viện châu Âu và chúng tôi sẽ đưa ra 160.000 chữ ký về các quy tắc và quyền con người”.
“Tôi phản đối hộ chiếu vaccine mà Nghị viện châu Âu sẽ tạo ra. Giấy thông hành tiêm chủng, chúng tôi từ chối nó”.
Thực tế, tình hình dịch bệnh tại nhiều nước châu Âu đang được cải thiện với việc nhiều nước đang bắt đầu nới lỏng các hạn chế phòng bệnh, khi có một lượng lớn người dân đã được tiêm vaccine. Hôm qua, tại Paris, Pháp, ban nhạc rock Indochine của nước này đã biểu diễn tại trung tâm Paris trước một đám đông khoảng 5.000 người hâm mộ trong sự chào đón cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, những người tham dự vẫn phải đeo khẩu trang bắt buộc và trải qua các bài kiểm tra y tế nhanh.
Theo Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Hans Kluge, đại dịch Covid-19 sẽ chỉ kết thúc cho đến khi ít nhất 70% người dân trên thế giới được tiêm chủng. Ông cũng bày tỏ thất vọng về việc chương trình tiêm chủng ở châu Âu đang được triển khai "quá chậm", so với số lượng vaccine châu lục này đang nắm giữ.
Tại châu Á, Ấn Độ - nơi từng là điểm nóng dịch bệnh số một trên thế giới, hôm qua đã ghi nhận số ca mắc mới trong ngày thấp nhất trong 45 ngày qua. Theo giới chức y tế Ấn Độ, làn sóng lây nhiễm thứ hai tại nước này đang lắng xuống và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp diễn ngay cả khi các hạn chế được nới lỏng đáng kể.
Tuy nhiên, tại các nước khu vực Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh vẫn chưa khả quan. Malaysia cuối tuần này đã phải công bố kế hoạch phong tỏa toàn quốc từ ngày 1/6 tới, khi số ca mắc mới trong ngày hôm qua lên tới hơn 9.000 – một con số cao kỷ lục kể từ khi đại dịch xuất hiện. Tỷ lệ số ca mắc mới Covid-19 hàng ngày trên một triệu người của Malaysia được tính trung bình trong vòng 7 ngày gần nhất thậm chí đã vượt qua cả Ấn Độ.
Tại Indonesia và Thái Lan, số ca mắc Covid-19 trong ngày vẫn ở mức cao. Trong khi đó, tại Campuchia, mặc dù mức độ lây nhiễm có giảm, song Bộ Y tế nước này vẫn nhận định, tình hình dịch bệnh vẫn đang trong giai đoạn phải hết sức lưu ý và đề phòng./.