Bước lùi của Ukraine trong nỗ lực thuyết phục phương Tây tăng cường hỗ trợ
VOV.VN - Sự khác biệt trong thái độ của các quan chức Mỹ với chuyến thăm của Tổng thống Zelensky đã củng cố thêm tình trạng bấp bênh mà Ukraine hiện đang phải đối mặt.
Bước lùi của Ukraine
Hơn 1 tuần sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trình bày "kế hoạch chiến thắng" về cách thức chấm dứt xung đột với Nga trước các quan chức Mỹ, thông tin chi tiết của chiến lược này và cách tiếp nhận vẫn còn mơ hồ, trong khi Kiev đang cố gắng giành thêm sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế chỉ 1 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Zelensky vẫn giữ bí mật về các điểm trong kế hoạch chiến thắng trên nhưng có lẽ nó liên quan đến việc thúc đẩy quá trình gia nhập NATO hoặc các đảm bảo an ninh ràng buộc từ phương Tây.
Chuyến thăm Mỹ, được các quan chức Ukraine coi là cơ hội quan trọng để ông Zelensky thuyết phục Washington duy trì hỗ trợ Kiev trong tương lai, đã không thu về kết quả như mong đợi. Tổng thống Biden vẫn giữ lập trường cấm các tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp tấn công vào lãnh thổ Nga và Tổng thống Zelensky thấy mình bị cuốn vào một cuộc đấu đá chính trị khi những thành viên đảng Cộng hòa có tầm ảnh hưởng chỉ trích hoặc không xem trọng ông. Một cuộc gặp với ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump - cuộc gặp đầu tiên của ông Zelensky kể từ khi xung đột nổ ra, đã diễn ra vội vã sau khi ông Trump ban đầu nói rằng ông không có kế hoạch gặp.
Sự khác biệt trong thái độ của các quan chức Mỹ với Tổng thống Zelensky đã củng cố thêm tình trạng bấp bênh mà Ukraine hiện đang phải đối mặt. Kiev phụ thuộc vào Washington như một đồng minh chính để trang bị vũ khí chống lại Nga nhưng không chắc chắn sự hỗ trợ đó sẽ kéo dài bao lâu khi cuộc xung đột đã bước sang năm thứ ba cùng những leo thang mới ở Trung Đông.
"Không ai có kế hoạch từ bỏ Ukraine nhưng Ukraine chắc chắn không nằm trong 3 vấn đề chính hàng đầu với Mỹ hiện nay. Có lẽ do thiếu sự chuẩn bị và hiểu biết về những gì Mỹ đang phải đối mặt hiện nay mà ông Zelensky dường như đã tụt lại một vài bước so với những chuyến thăm trước đó của ông ấy", Mykola Davydiuk - chuyên gia về chính trị tại Kiev nhận định.
Tổng thống Zelensky sẽ có một cơ hội khác để trình bày kế hoạch chiến thắng vào tuần tới tại một cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine tại Ramstein, Đức - sự kiện mà ông Biden cũng tham dự. Sau khi ông Zelensky không thể thuyết phục phương Tây dỡ bỏ lệnh hạn chế tên lửa, Kiev có thể nhận được một số hình thức viện trợ khác trong hội nghị ở Đức, một quan chức giấu tên phương Tây cho hay.
Đặc biệt, nhà ngoại giao này cho biết, các nước NATO đang cân nhắc các cách thức trao cho Ukraine những bước đi cụ thể hơn để gia nhập liên minh, mặc dù khả năng đó vẫn chưa đạt đến mức độ cấp bách mà Kiev yêu cầu.
Ukraine có sẵn sàng nhượng bộ?
Vấn đề đối với các quan chức Ukraine là cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần và một chính quyền mới, bất kể kết quả ra sao, sẽ khiến sự hỗ trợ an ninh tương lai cho Ukraine trở nên bấp bênh. Đội ngũ của ông Zelensky đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Biden ủng hộ kế hoạch chiến thắng như một cách để củng cố di sản của ông trước khi rời nhiệm sở. Tuy nhiên, Nhà Trắng khó có thể thực hiện bất kỳ hành động nào hiện nay, có thể không được lòng dân hoặc gây nguy hiểm cho chiến dịch của bà Kamala Harris, các quan chức cho hay.
Mặc dù Tổng thống Zelensky và chính phủ của ông đã nhiều lần nói rằng, việc nhượng bộ lãnh thổ Ukraine cho Nga là điều không thể xảy ra nhưng người dân nước này ngày càng tỏ ra sẵn sàng chấp nhận các cuộc đàm phán có thể tạo ra những thỏa hiệp tạm thời về toàn vẹn lãnh thổ, miễn là tư cách thành viên NATO hoặc đảm bảo an ninh từ các đồng minh là một phần của thỏa thuận, Anton Grushetskyi, Giám đốc Viện Xã hội học Quốc tế Kiev đánh giá.
"Sẽ không có tình huống mà phần lớn người dân tuyệt đối công nhận việc chiếm đóng lãnh thổ của họ. Nhưng người dân Ukraine đã chuẩn bị cho một hình thức trì hoãn trao trả hoàn toàn các vùng lãnh thổ trong tương lai, với điều kiện phải có một số yếu tố an ninh nào đó".
Thái độ của công chúng đã thay đổi khi quân đội Ukraine phải vật lộn trên chiến trường trong năm qua và những người ở xa tiền tuyến phải chịu đựng tình trạng mất điện luân phiên do các chiến dịch tấn công cơ sở hạ tầng của Moscow. Nga đã giành lại thế chủ động trên tiền tuyến trong khi Ukraine gấp rút bổ sung lực lượng đang suy kiệt của mình bằng một chiến dịch động viên.
Cuộc tấn công xuyên biên giới bất ngờ của Ukraine vào khu vực Kursk của Nga hồi tháng 8 đã thúc đẩy tinh thần trong nước và là lời tuyên bố với các đồng minh của Kiev rằng nước này vẫn có khả năng giành chiến thắng trên chiến trường. Tuy nhiên, cuộc tấn công đó phần lớn đã chững lại trong khi Ukraine tiếp tục mất đi các vùng lãnh thổ ở phía Đông, trong đó có thị trấn Ugledar vào đầu tuần trước.
Khi cuộc xung đột ở Ukraine có vẻ đi vào bế tắc, sự ủng hộ của các nước phương Tây với Kiev đã giảm bớt.
"Vào năm 2023, đã có nhiều hy vọng nhưng vào năm 2024 có nhiều sự thất vọng và không rõ điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Đó là sự thật", Oleksiy Goncharenko, một thành viên thuộc đảng đối lập Đoàn kết châu Âu trong Quốc hội Ukraine cho hay.
Ông Goncharenko cho biết kế hoạch chiến thắng của ông Zelensky khó có thể chứa đựng một số yếu tố cách mạng - một quan điểm được một quan chức phương Tây khác đồng tình khi cho biết kế hoạch này "không có gì bất ngờ". Ukraine đang trông chờ vào sự ủng hộ từ đồng minh với nhiều vũ khí hơn, lộ trình gia nhập NATO rõ ràng hơn và nếu có thể thì là nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với Nga.
“Nếu phương Tây cung cấp cho chúng tôi lượng viện trợ tối đa, Ukraine thậm chí có thể đạt được chiến thắng với ý nghĩa đầy đủ của từ này. Nhưng những gì chúng tôi nhận được liên tục bị hạn chế”, ông Goncharenko nói.