Bước ngoặt trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ
VOV.VN - Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ vừa được đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền đề cử làm tân Thủ tướng đánh dấu giai đoạn bước ngoặt ở nước này.
Quyết định này đánh dấu giai đoạn bước ngoặt trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ khi đảng Công lý và Phát triển tái cơ cấu lại Chính phủ nhằm trao quyền lực nhiều hơn cho Tổng thống đắc cử Tayyip Erdogan.
Quyết định đề cử ông Davutoglu làm lãnh đạo mới của đảng cầm quyền, đồng nghĩa với việc ông sẽ trở thành Thủ tướng, còn phải được thông qua tại cuộc họp toàn thể của đảng Công lý và Phát triển ngày 27/8 tới nhưng gần như chắc chắn đề cử này sẽ không gặp phải trở ngại nào. Phát biểu sau khi được đề cử, ông Davutoglu, 55 tuổi, tuyên bố nếu được đảng Công lý và Phát triển phê chuẩn, ông sẽ tiếp tục con đường cải cách sâu rộng mà người tiền nhiệm Erdogan đã khởi xướng.
Ông Davutoglu được coi là cánh tay phải của Tổng thống đắc cử Erdogan và cũng là kiến trúc sư cho chính sách ngoại giao quyết đoán của Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt 5 năm làm Ngoại trưởng. Việc đề cử ông làm Thủ tướng là bước đi đầu tiên trong kế hoạch cải tổ bộ máy nhà nước của ông Erdogan sau khi đắc cử Tổng thống trong cuộc bỏ phiếu toàn dân trực tiếp đầu tiên ngày 10/8 vừa qua.
Bước tiếp theo của kế hoạch này là ông Davutoglu phải lãnh đạo đảng Công lý và Phát triển giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 6 năm sau để chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội, rộng đường cho Tổng thống Erdogan tiếp tục thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp hướng đến 1 chế độ Tổng thống cầm quyền.
Phát biểu sau khi đề cử ông Davutoglu làm Thủ tướng, ông Erdogan cho biết: “Hiến pháp mới là ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi tin rằng ông Davutoglu cũng cho rằng đây là điều quan trọng nhất. Ông ấy đã nhìn thấy rõ ý định và mục tiêu của nhà nước song song mà giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen lập ra để lật đổ Chính phủ. Vì thế tôi cho rằng sứ mệnh của chúng tôi là phải tiếp tục đấu tranh và tôi tin tưởng Chính phủ mới sẽ cho thấy quyết tâm tương tự để tiếp tục cuộc đấu tranh chống nhà nước song song đó.”
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, người nắm thực quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thay đổi dù cán cân quyền lực giữa Thủ tướng và Tổng thống sắp đảo ngược. Bởi nếu xảy ra tranh cãi giữa ông Erdogan và ông Davutoglu trong tương lai, Thủ tướng được chỉ định sẽ phải nhún nhường ít nhiều đối với người đã đưa ông lên vị trí này và cũng là người thật sự có ảnh hưởng trong đảng cầm quyền.
Phó Chủ tịch sáng lập tổ chức Nền tảng báo chí tự do Chấm 24 (Punto 24 Independent Journalist Platform) Andrew Finkel nhận định: “Tôi nghĩ lý do khiến ông Davutoglu được chọn làm Thủ tướng có thể là vì ông ấy không thật sự được ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo dư luận. Thực chất sự tồn tại và lên ngôi của ông ấy trên chính trường là nhờ việc ủng hộ ông Erdogan, người vừa được bầu làm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Còn ông Erdogan thì không phải là người sẽ để thực quyền lãnh đạo đảng rơi vào tay người khác. Ông ấy vẫn sẽ kiểm soát tình hình”.
Thành quả lớn nhất mà ông Erdogan mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ trên cương vị Thủ tướng là thúc đẩy tiến trình đối thoại hòa bình nhằm chấm dứt 3 thập kỷ xung đột với các tay súng đối lập của Đảng Lao động người Kurd (PKK). Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trong 10 năm cầm quyền của ông Erdogan cũng được đánh giá là tương đối ổn định và nước này đang tích cực vận động để gia nhập Liên minh châu Âu. Trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ, ông Erdogan và đảng Công lý và Phát triển cầm quyền dính phải một số bê bối song điều đó không thể ngăn cản ông trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ với tỷ lệ ủng hộ 52%.
Theo quy định của Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan sẽ phải từ chức lãnh đạo đảng Công lý và Phát triển khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 28/8 tới. Trên cương vị mới, ông Erdogan sẽ phải đối mặt với những thách thức về kinh tế, xã hội và đặc biệt là an ninh vì Thổ Nhĩ Kỳ đang bị ảnh hưởng bởi bất ổn từ các nước láng giềng Syria và Iraq./.