Các biện pháp phòng dịch Covid-19 góp phần ngăn chặn một loại cúm B tại Australia
VOV.VN - Từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp cách ly phòng dịch, số ca mắc cúm mùa tại Australia đã giảm mạnh kể từ tháng 5/2020.
Covid-19 đang tung hoành trên toàn cầu và gây thiệt hại to lớn đối với nhân loại, nhưng tại Australia, đại dịch toàn cầu này cũng có mặt “tích cực” khi giúp làm giảm số ca mắc bệnh cúm mùa hàng năm xuống mức thấp nhất trong lịch sử và thậm chí đã loại bỏ hoàn toàn một loại virus gây bệnh cúm tuýp B.
Cúm mùa là một bệnh phổ biến, xuất hiện vào mùa Đông tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó Australia thường ghi nhận khoảng 100.000 ca mắc mỗi năm. Riêng trong năm 2019, dịch cúm mùa hoạt động mạnh nhất tại đây, với hơn 300.000 trường hợp mắc và hơn 900 người tử vong do căn bệnh này.
Tuy nhiên, từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp cách ly phòng dịch, số ca mắc cúm mùa đã giảm mạnh kể từ tháng 5/2020. Tính từ đầu năm đến nay, Australia chỉ ghi nhận 550 ca mắc cúm và không có ca tử vong nào liên quan đến căn bệnh này.
Theo hai nghiên cứu của các nhà khoa học Australia, tỷ lệ mắc cúm mùa trong 18 tháng qua hiện ở mức rất thấp. Đáng chú ý, từ tháng 4/2020 đến nay, các nhà khoa học không phát hiện thấy virus Yamagata, một loại virus gây bệnh cúm tuýp B và là một trong bốn loại virus phổ biến gây bệnh cúm ở người hàng năm.
Theo Giáo sư Ian Barr, Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác nghiên cứu về bệnh cúm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Viện Doherty, virus Yamagata có thể đã biến mất vì các nhà khoa học không phát hiện thấy loại virus này trong 18 tháng qua. Virus Yamagata chỉ lây nhiễm ở người và đã tiến hóa chậm lại trong 10 năm qua nhờ việc tiêm phòng. Và khi xuất hiện dịch Covid-19, các biện pháp giãn cách xã hội được triển khai cùng với đeo khẩu trang và sát khuẩn thường xuyên đã góp phần tiêu diệt loại virus này nhanh hơn dự kiến. Việc các nước đóng cửa biên giới và thiết lập các khu cách ly người nhập cảnh trong hai tuần đã góp phần lớn nhất trong việc phá vỡ chuỗi lây nhiễm của loại virus gây bệnh cúm B này.
Giáo sư Barr cho rằng, mặc dù mức độ lây lan đã giảm song virus Yamagata vẫn có thể đang “ẩn nấp” ở đâu đó trên thế giới, vì vậy người dân cần tiếp tục tiêm phòng để bảo vệ bản thân trước khi Australia mở cửa biên giới trong năm tới. Nhưng nếu không ghi nhận virus này trong năm 2022 thì trong năm tiếp theo thành phần kháng virus Yamagata sẽ được loại bỏ trong các vaccine cúm./.