Các chuyên gia quốc tế tư vấn Việt Nam về cách ứng phó Trung Quốc

VOV.VN - Các chuyên gia Mỹ, Pháp, Bỉ, Australia, bằng kinh nghiệm của mình đã tư vấn cho Việt Nam những bước đi pháp lý nhằm khẳng định với thế giới chính nghĩa thuộc về Việt Nam.

Trung Quốc không đưa ra được bất cứ bằng chứng thuyết phục nào chứng minh Trung Quốc chiếm hữu hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Việt Nam cần có tiếng nói pháp lý mạnh mẽ để cả thế giới biết chính nghĩa thuộc về Việt Nam. Đó là nhận định của các học giả quốc tế tại hội thảo quốc tế lần thứ 2 về Hoàng Sa và Trường Sa diễn ra ngày 20/6 tại thành phố Đà Nẵng.

Hội thảo với chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” góp phần làm sáng tỏ Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế. Tại Hội thảo này, yêu sách đường lưỡi bò, hay còn gọi là đường 9 đoạn của Trung Quốc cũng bị các học giả bác bỏ và lên án mạnh mẽ.

Tướng Daniel Schaeffer, chuyên gia Bộ Quốc phòng Pháp chuyên sâu về vấn đề Biển Đông: Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” không kèm theo bất cứ lời giải thích nào nên hoàn toàn không có giá trị. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã ráo riết hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” bằng các hành động xâm phạm chủ quyền các nước Philippin, Việt Nam, Malaysia. Vấn đề “đường lưỡi bò” không thuộc trách nhiệm của riêng nước nào trong khu vực mà là của cả cộng đồng quốc tế; cần phải đạt được sự đồng thuận quốc tế để yêu cầu Trung Quốc từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”.

 

Tướng Daniel Schaeffer, chuyên gia Bộ Quốc phòng Pháp chuyên sâu về vấn đề Biển Đông

GS. Jerome Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Mỹ: Có những vấn đề như yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là liên quan trực tiếp để Luật biển. Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc lên Tòa án Liên Hợp Quốc về Luật biển theo đúng Công ước Quốc tế như Philippines đã làm.

Ngoài ra Việt Nam có thể đưa tuyên bố về chủ quyền của mình lên hệ thống Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và nhiều nước khác đã cam kết tuân thủ trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển.

Việt Nam có thể tham gia khởi kiện cùng Philippines hoặc có thể tiến hành kiện riêng rẽ ra trọng tài quốc tế theo Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS).

 

GS. Jerome Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Mỹ

GS. Erick Franckx, Đại học Tự Do Brussels Bỉ, Thành viên Tòa trọng tài thường trực: Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS) rất quan trọng vì đây là Công ước đầu tiên mà trong đó có lựa chọn giải quyết các tranh chấp trên biển.

Và trong Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển có một phần trong đó các bên tham gia (bao gồm cả Trung Quốc) chấp nhận việc giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua UNCLOS. Điều đó có nghĩa rằng, các bạn có thể đơn phương đưa vụ việc này ra tòa.

 

GS. Erick Franckx, Đại học Tự Do Brussels Bỉ, Thành viên Tòa trọng tài thường trực

GS. Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, chuyên nghiên cứu về Việt Nam và Đông Nam Á: Việt Nam cần phải thực sự quan tâm đến vấn đề giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc và có thể đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu Hội đồng Bảo an thảo luận về hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tác động của nó đến an ninh khu vực.

Trung Quốc có thể ngăn cản việc này hoặc thậm chí ra nghị quyết phản đối nhưng ít nhất là việc bàn thảo đã diễn ra. Điều này có thể dẫn đến việc cộng đồng quốc tế sẽ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và có những hành động hạ nhiệt căng thẳng.

 

GS. Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, chuyên nghiên cứu về Việt Nam và Đông Nam Á

Các chuyên gia cũng nhất trí rằng, việc căn cứ vào những chứng cứ pháp lý, lịch sử dựa trên luật pháp quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ để giải quyết tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Những hành động sử dụng sức mạnh cố ý phá vỡ nguyên trạng, gây bất ổn khu vực, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước khác nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông của bất kỳ bên nào đều không thể chấp nhận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên