Các công ty công nghệ Mỹ kiện sắc lệnh cấm nhập cư của ông Trump
VOV.VN - Những “người khổng lồ công nghệ Mỹ” như Apple, Google và Microsoft đã hợp tác nộp đơn kiện sắc lệnh cấm nhập cư của tân Tổng thống Donald Trump.
Các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ cho rằng sắc lệnh hành chính của ông Donald Trump đã gây “tổn hại đáng kể cho doanh nghiệp Mỹ”.
Microsoft nằm trong số 97 tập đoàn nộp đơn kiện sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Trump. Ảnh: AP. |
Cùng với 3 “người khổng lồ công nghệ” Apple, Google và Microsoft, các tập đoàn Facebook, Twitter và Intel và cả những công ty không liên quan tới công nghệ như Levi Strauss và Chobani đã nộp đơn kiến nghị về quyết định này của ông Trump lên Tòa Phúc thẩm số 9 của Mỹ ở San Francisco. Trong số gần 100 công ty tham gia kiến nghị còn có cả eBay, Netflix và Uber.
Đơn kiến nghị cho rằng sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Trump “xa rời nguyên tắc công bằng và khả năng dự đoán, vốn là những yếu tố đã vận hành hệ thống nhập cư của Mỹ trong hơn 50 năm qua”. Sắc lệnh này cũng đã gây “tổn hại đáng kể cho doanh nghiệp Mỹ cũng như sự đổi mới và tăng trưởng”.
Kiến nghị của các doanh nghiệp Mỹ khẳng định “người nhập cư và con cháu của họ đã hình thành nên hơn 200 công ty trong danh sách 500 công ty hàng đầu của Mỹ”.
Các công ty công nghệ của Mỹ nằm trong lĩnh vực được cho là hay lên tiếng về những chính sách nhập cư vì rất nhiều nhân viên của họ là người sinh ra ở nước ngoài.
Sắc lệnh hành chính về nhập cư của Tổng thống Donald Trump, trong đó cấm công dân 7 nước Hồi giáo tới Mỹ, có thể coi là chính sách gây tranh cãi nhất của tân Tổng thống kể từ khi ông nhậm chức ngày 20/1 đến nay.
Cuối tuần qua, Tòa Phúc thẩm số 9 của Mỹ ở San Francisco đã bác yêu cầu của chính quyền Tổng thống Trump ngăn chặn phán quyết của thẩm phán liên bang về việc tạm dừng sắc lệnh hành chính của ông. Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm cho biết có thể xem xét lại yêu cầu của chính phủ khi được cung cấp thêm thông tin.
Ngày 6/2 là thời hạn chót để chính quyền Tổng thống Donald Trump điều chỉnh sắc lệnh hành chính về nhập cư này sau khi một thẩm phán tòa án liên bang ở Seattle ra lệnh tạm dừng sắc lệnh này 3/2./.