Các đảng phái ở Palestine hướng tới mục tiêu bầu cử công bằng sau 15 năm
VOV.VN - Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm 20/2 đã ban hành một sắc lệnh yêu cầu tôn trọng quyền tự do ngôn luận, một bước đi được yêu cầu bởi các đảng phái Palestine nhằm hướng tới các cuộc bầu cử công bằng sau 15 năm.
Sắc lệnh của Tổng thống Palestine cấm tất cả các cuộc truy bắt và giam giữ của cảnh sát ở cả Bờ Tây và Dải Gaza vì các lý do liên quan đến quyền tự do ngôn luận và đảng phái chính trị. Sắc lệnh cũng yêu cầu chính quyền Bờ Tây và phong trào Hamas thả mọi tù nhân bị giam giữ bởi những phát ngôn chính trị.
Theo các nhóm nhân quyền, trong hơn 14 năm qua, do mâu thuẫn chính trị sâu sắc, lực lượng Hamas tại Gaza đã bắt giữ nhiều người ủng hộ Phong trào Fatah và điều này cũng diễn ra theo chiều hướng ngược lại tại Bờ Tây.
Mới đây, trong các cuộc đàm phán tại Cairo, Ai Cập; các bên Palestine đã yêu cầu ngừng ngay các vụ bắt giữ, để hướng tới các cuộc bầu cử công bằng, tự do. Phong trào Fatah và Hamas đã đồng ý trả tự do cho những người bị giam giữ vì lý do chính trị, đồng thời cho phép các ứng cử viên vận động tranh cử không hạn chế.
Giới phân tích nhận định, sắc lệnh đã xóa tan một số nghi ngờ làm lu mờ cuộc bầu cử đầu tiên tại Palestine trong 15 năm, bất chấp vẫn còn một số rào cản khác.
Việc các bên Palestine hướng tới cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 22/5 tới và bầu cử Tổng thống ngày 31/7 diễn ra khi mà sự chia rẽ giữa phong trào Hamas và Fatah làm suy yếu vị thế của chính quyền Palestine trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho họ: Từ việc Mỹ công nhận chủ quyền các khu vực chiếm đóng cho Israel cho đến việc các nước Arab bình thường quan hệ với quốc gia này.
Trong khi đó, chính quyền Palestine do Fatah dẫn dắt ở Bờ Tây đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính và không đạt được thỏa thuận hòa bình với Israel để xây dựng nhà nước Palestine. Còn tại Gaza, sự phong tỏa của Israel và Ai Cập cũng khiến Hamas bị cô lập và không thể cung cấp các dịch vụ tối thiểu cho người dân.
Do đó, chấm dứt sự chia rẽ thông qua bầu cử ở thời điểm này là điều cần thiết mà các bên Palestine phải làm. Dự kiến vào tháng tới, các bên Palestine cũng sẽ tham gia một vòng đàm phán khác tại Cairo, Ai Cập để giải quyết một số vấn đề hóc búa khác để hàn gắn sự chia rẽ như vấn đề tư pháp, an ninh, việc mở rộng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).
Về phía quốc tế, các nước Arab đều đang ủng hộ Palestine tổ chức bầu cử, thống nhất đường lối, để hướng tới mục tiêu xa hơn là tiến trình hòa bình Trung Đông với Israel. Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit mới đây còn kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden thay đổi chính sách của chính quyền tiền nhiệm để “hòa bình Trung Đông” được hồi sinh.
“Chúng tôi mong muốn chính quyền mới của Mỹ sửa đổi chính sách trong tiến trình hòa bình Trung Đông, với sự hỗ trợ của các bên có ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế, để đưa tiến trình trở lại con đường có tính khả thi, mang lại hy vọng cho người dân Palestine; rằng cộng đồng quốc tế sẽ thực thi công lý với những nỗ lực cao cả cho tự do và độc lập”./.