Các nước Đông Âu thúc đẩy hợp tác để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga
VOV.VN - Sau khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria do không chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp theo yêu cầu của Nga, các quốc gia Đông Âu đã thúc đẩy hợp tác phát triển các dự án và chia sẻ nguồn lực nhằm hạn chế sự phụ thuộc của EU vào nguồn cung của Nga.
Cụ thể, một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên giữa biên giới Hy Lạp-Bulgaria sẽ sẵn sàng vào tháng 6. Đường ống trị giá 240 triệu euro này sẽ chạy từ thành phố Komotini của Hy Lạp đến thành phố Stara Zagora ở miền trung Bulgaria. Dự án được tài trợ bởi các quốc gia liên quan cũng như EU.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Bulgaria và Romania cũng đã công bố kế hoạch làm việc cùng nhau để giảm áp lực của Nga đối với thị trường khí đốt. Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov cho biết, nước này có thể lấy khí đốt từ Romania và chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ và theo chiều ngược lại thông qua Hệ thống kết nối Hy Lạp-Bulgaria. Ông Petkov cũng cho biết, Bulgaria sẽ xem xét các đối tác ở Azerbaijan như một nguồn cung cấp khí đốt.
Séc mặc dù chưa có dấu hiệu cho thấy có thể phải nhận đòn trừng phạt tương tự từ Nga nhưng cũng đã bắt đầu tìm kiếm phương án nhằm giảm sự phụ thuộc khí đốt của Nga ở mức thấp nhất. Thủ tướng Fiala cho biết, Séc phụ thuộc hơn 90% vào khí đốt của Nga và muốn giảm sự phụ thuộc này bằng việc tìm nguồn khí đốt mới thông qua các trạm cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) mở rộng hoặc xây mới của Ba Lan.
Sau chuyến thăm của Thủ tướng Séc Fiala tới Ba Lan hôm 29/4 vừa qua, hai nước đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Stork II đã bị hủy bỏ từ năm 2020./.