Các nước EU bất đồng quan điểm về cắt giảm khí thải

Một tháng sau Hội nghị về Biến đổi khí hậu tại thủ đô Copenhagen, Đan Mạch, 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thống nhất được quan điểm trong vấn đề cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hội nghị Bộ trưởng Môi trường EU thảo luận vấn đề này đã kết thúc cuối tuần qua tại Tây Ban Nha mà không đi đến được thỏa thuận chung.

Bà Conny Hedergas, Ủy viên châu Âu phụ trách khí hậu, cho rằng, do nhiều quan điểm khác nhau, các thành viên EU đã không có được tiếng nói chung tại Hội nghị Copenhagen, trong khi Mỹ và nhóm các nước đang trỗi dậy là Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, và Trung Quốc (gọi tắt là BASIC) đã đạt được thỏa thuận và cùng một số nước khác ký "Hiệp ước Copenhagen" không ràng buộc về mặt pháp lý.

27 thành viên EU vẫn chưa thống nhất được quan điểm trong vấn đề cắt giảm khí thải (Ảnh: global changes)

Tại cuộc họp ở Tây Ban Nha lần này, các Bộ trưởng EU vẫn chưa thống nhất được tỉ lệ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà châu Âu có thể thực hiện.

Trong khi Italy, Ba Lan, Hungaria và Áo muốn giữ ở mức 20% từ nay đến năm 2020 để đợi các nước lớn khác như Mỹ và Nhật Bản cũng sẽ đạt được điều đó, Pháp, Anh, Đức và Bỉ lại ủng hộ phương án tăng mức giảm lên 30% để góp phần tháo gỡ bế tắc cho các cuộc thương lượng sẽ được tiến hành tại Hội nghị Khí hậu ở Mexico vào tháng 12/2010.

Thêm vào đó, các cuộc thảo luận cũng chẳng đạt được nhiều tiến bộ về vấn đề giải ngân nguồn vốn cam kết dành cho các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, theo "Hiệp ước Copenhagen", ngày 31/1 là hạn cuối cùng để các nước châu Âu đưa ra chỉ số giảm khí thải mà họ cam kết thực hiện. Do vậy, EU dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 20/1 tới để ấn định tỉ lệ cần đưa ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên