Các nước kêu gọi bảo vệ các cơ sở hạt nhân trong giao tranh tại Ukraine
VOV.VN - Cơ quan Tình trạng khẩn cấp Ukraine thông báo đã dập tắt và khống chế được đám cháy ở gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Nhiều nước ngay lập tức lên tiếng hối thúc bảo vệ các cơ sở hạt nhân trong giao tranh tại Ukraine, không sẽ gây ra các thảm họa lớn đối với con người.
Ukraine trước đó thông báo cơ sở đào tạo 5 tầng của nhà máy điện hạt nhân này đã bốc cháy sau một hành động quân sự. Không có báo cáo thương vong sau vụ việc. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cảnh báo, Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu. Nếu nhà máy nổ tung, ảnh hưởng của vụ nổ sẽ lớn gấp 10 lần Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl.
Giáo sư về hạt nhân Maria Rost Rublee của Trường đại học Monash, Australia cũng cảnh báo, giao tranh gần các nhà máy điện hạt nhân là "công thức dẫn đến thảm họa".
“Đây là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, có 6 lò phản ứng. Nếu xảy ra tan chảy hạt nhân trong số sáu lò phản ứng, điều này sẽ tồi tệ hơn thảm họa Chernobyl. Rất may là thảm họa đã không xảy ra trong trường hợp cụ thể này, nhưng không có nghĩa là nó sẽ không xảy ra trong 30 phút, 1 giờ nữa hay một thời điểm nào đó sắp tới”, ông Rublee nói.
Theo Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế, các trang thiết bị quan trọng của nhà máy điện hạt nhân không bị ảnh hưởng sau vụ cháy và môi trường xung quanh không có sự thay đổi về mức phóng xạ. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế cũng kêu gọi Nga và Ukraine không giao tranh tại khu vực gần nhà máy Zaporizhzhia, cảnh báo "đặc biệt nguy hiểm" nếu nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Ukraine này bị tổn hại.
Lãnh đạo nhiều nước lên tiếng kêu gọi bảo vệ các cơ sở hạt nhân trong các cuộc xung đột. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hối thúc đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạt nhân tại Ukraine, kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về tình hình ở cơ sở hạt nhân này, Thủ tướng Anh Boris Johnson nêu rõ, Anh sẽ làm mọi điều có thể để đảm bảo tình hình tại Ucraina liên quan tới chiến dịch đặc biệt của Nga không trở nên tồi tệ hơn. Cả hai nhà lãnh đạo nhất trí ngừng bắn là vấn đề then chốt. Tổng thống Zelensky cũng đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi ngừng giao tranh gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia./.