Các phe phái đối lập ở miền Tây Libya đạt được thỏa thuận ngừng giao tranh
VOV.VN - Hôm qua (15/8), Chính phủ Thống nhất quốc gia Libya thông báo đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại thủ đô Tripoli sau các vụ đụng độ giữa hai phe khiến 27 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Các phương tiện truyền thông Libya dẫn lời người phát ngôn của Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya cho biết, lệnh ngừng bắn đã được thống nhất tại thủ đô Tripoli.
Trước đó trong ngày 15/8, thủ đô của Libya đã chứng kiến những vụ bạo lực tồi tệ nhất kể từ đầu năm nay, khi đụng độ nổ ra giữa hai phe vũ trang khiến 27 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, theo Trung tâm Hỗ trợ y tế khẩn cấp ở Tripoli.
Cuộc giao tranh bắt đầu từ tối 14/8, sau khi Lực lượng “Răn đe Đặc biệt” hiện kiểm soát Sân bay chính Mitiga của Tripoli, đã bắt giữ Mahmoud Hamza, chỉ huy của của lực lượng “Lữ đoàn 444”. Lực lượng Răn đe Đặc biệt là một trong những phe vũ trang chính ở Tripoli trong nhiều năm, kiểm soát quận Mitiga và khu vực ven biển xung quanh, bao gồm một phần của trục đường chính dẫn đến phía Đông. Trong khi đó, lực lượng Lữ đoàn 444 kiểm soát các khu vực rộng lớn của thủ đô và các khu vực ở phía Nam Tripoli. Hai lực lượng này đều ủng hộ cho Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya do ông Abdul Hamid al-Dabaiba đứng đầu.
Khói đen bao trùm các khu vực và tiếng vũ khí hạng nặng vang vọng trên đường phố khi giao tranh nổ ra ở thủ đô Tripoli. Giao tranh đã khiến nhiều cửa hàng và khu chợ phải đóng cửa, trong khi nhiều người dân phải tạm thời sơ tán.
Tuy nhiên đến nay, cuộc giao tranh đẫm máu đã lắng xuống sau khi hai bên đạt được thỏa thuận về việc đảm bảo trả tự do cho chỉ huy Lữ đoàn 444 bị bắt giữ. Trước đó, đài truyền hình Al-Masar của Libya cho biết, người đứng đầu Chính phủ Thống nhất Quốc gia Abdul Hamid al-Dabaiba, đã yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ và Tổng tham mưu trưởng quân đội can thiệp để ngăn chặn các cuộc đụng độ ở Tripoli. Về phần mình, Phái đoàn Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại về tác động của các sự kiện và diễn biến tại Tripoli đối với những nỗ lực nhằm tạo ra một môi trường an ninh thuận lợi cho sự tiến bộ của tiến trình chính trị, bao gồm việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc gia.
Libya đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng chính trị, do sự xung đột giữa chính phủ được Hạ viện bổ nhiệm vào đầu năm 2022 và chính phủ của ông Abdul Hamid al-Dabaiba, người từ chối chuyển giao quyền lực, ngoại trừ cho một chính phủ được thành lập thông qua bầu cử. Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, Hội đồng Nhà nước cấp cao và Hạ viện Libya đang tiến hành các cuộc đàm phán nhằm tổ chức các cuộc bầu cử trong năm 2023 với các nỗ lực hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế do Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ở Lybia dẫn đầu.