Các phe phái tại Ai Cập gia tăng đối đầu
(VOV) - Căng thẳng chính trị tại Ai Cập chưa có dấu hiệu hạ nhiệt kể từ sau khi Tổng thống Morsi bị phế truất.
Ngày 7/8, đã xảy ra các vụ bạo động giữa những người ủng hộ ông Morsi và quân đội khiến hàng chục người thiệt mạng. Trong khi đó, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adli Mansour đã phê chuẩn tuyên bố hiến pháp mới cho giai đoạn chuyển tiếp, theo đó đặt ra lộ trình cho việc tổ chức các cuộc bầu cử vào năm tới.
Các cuộc đụng độ giữa hai bên trong ngày 7/8 khiến hơn 50 người chết. (ảnh: PressTv) |
Làn sóng biểu tình và căng thẳng chính trị tại Ai Cập tiếp tục gia tăng khi Tổ chức anh em Hồi giáo và các đảng đồng minh kêu gọi tiến hành các cuộc biểu tình quy mô lớn trong ngày hôm 9/7.
Lực lượng này kêu gọi tiến hành một cuộc "nổi dậy", đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế can thiệp nhằm ngăn chặn một "Syria mới", sau khi lực lượng an ninh Ai Cập nổ súng và bắn đạn hơi cay nhằm giải tán đám đông người biểu tình ủng hộ ông Morsi bên ngoài trụ sở Lực lượng Vệ binh Cộng hòa tại thủ đô Cairo. Các cuộc đụng độ giữa hai bên trong ngày 7/8 khiến hơn 50 người chết.
Ông Deen Sultan, lãnh đạo Tổ chức anh em Hồi giáo cho biết: “Tuyên bố của quân đội là sai lầm. Trong 3 ngày qua chúng tôi có từ 6 đến 10 triệu người, do đó nếu chúng tôi muốn tấn công thì chúng tôi đã làm điều đó rồi, chứ không phải đợi đến rạng sáng khi mà những người biểu tình đã trở về lán trại của họ ở Rabaa Adawiya”.
Ai Cập sẽ thành lập một ủy ban sửa đổi hiến pháp trong 15 ngày tới
Trong khi đó, Hãng thông tấn Nhà nước Ai Cập MENA dẫn lời một quan chức quân đội nói rằng, những người ủng hộ ông Morsi đã tấn công cơ sở quân đội, khiến 1 sĩ quan thiệt mạng và 40 người bị thương.
Trong bối cảnh làn sóng bạo lực và thế đối đầu giữa những người Hồi giáo ủng hộ và phản đối tổng thống bị phế truất Morsi tiếp tục gia tăng, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adli Mansour đã ra tuyên bố hiến pháp. Theo đó, Ai Cập sẽ thành lập một ủy ban sửa đổi hiến pháp trong 15 ngày tới. Những thay đổi về hiến pháp sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân và sau đó sẽ tiến hành tổng tuyển cử và bầu Tổng thống. Tuyên bố hiến pháp cũng bao gồm các điều khoản về hệ thống kinh tế và các quyền của công dân.
Trước đó, Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) tuyên bố "sẵn sàng chấp nhận các sáng kiến hòa giải dân tộc, nếu tính hợp pháp của tổng thống, hiến pháp (bị đình chỉ), Hội đồng Shura (tức Thượng viện) được khôi phục".
Những diễn biến căng thẳng tại Ai Cập tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Trong một bước đi phản ánh rõ hy vọng cứu vãn tiến trình dân chủ do Mỹ từng “cổ vũ và khuyến khích”, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 7/8 thông báo chưa thay đổi chương trình viện trợ nhiều tỷ USD dành cho Ai Cập, bất chấp việc Tổng thống Morsi bị lật đổ.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney tại một cuộc họp báo, cho biết: “Tôi nghĩ rằng việc thay đổi ngay lập tức chương trình hỗ trợ cho Ai Cập không mang lại lợi ích tốt nhât đối với Mỹ. Chúng tôi đang xem xét lại các nghĩa vụ theo luật pháp và tiếp tục tham vấn với quốc hội về việc thúc đẩy thực hiện gói hỗ trợ mà chúng tôi cam kết dành cho Ai Cập”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo báo chí kêu gọi quân đội Ai Cập kiềm chế tối đa trong việc giải quyết làn sóng biểu tình bạo lực mới giữa các phe phái.
Trước làn sóng biểu tình bạo lực có xu hướng leo thang tại Ai Cập, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 7/8 đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ và yêu cầu tiền hành cuộc điều tra độc lập về các trường hợp bạo loạn dẫn tới thương vong. Tổng Thư ký hối thúc người dân Ai Cập, không phân biệt phe phái, kiềm chế tránh làm tình hình căng thẳng gia tăng. Ông nhấn mạnh, các lực lượng an ninh phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong xử lý các tình huống an ninh và khẳng định Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Ai Cập.
Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng tại Ai Cập. Trong một tuyên bố ngày 8/7, quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, bà Catherine Ashton đã hối thúc các bên tại quốc gia Bắc Phi tránh những hành động có thể khiến tình hình thêm nghiêm trọng và nhanh chóng hướng tới sự hòa giải dân tộc.
Giới quân sự của Ai Cập sẽ đàm phán với ông Morsi
Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 7/8, giới quân sự của Ai Cập cho biết, sẽ gặp mặt Tổng thống bị lật đổ Morsi đàm phán về điều kiện thả ông nhằm thúc đẩy giải quyết khủng hoảng chính trị tại nước này
Theo báo chí địa phương, một cựu thành viên của Hội đồng quân sự tối cao của Ai Cập, Tướng Aziz sẽ có cuộc gặp Tổng thống bị phế truất Morsi để nhằm thuyết phục ông đồng ý với lộ trình của quân đội, đó là từ chức Tổng thống, đình chỉ hiến pháp, bầu cử sớm, ngừng các cuộc biểu tình và chống đối cảnh sát.
Trước đó, nhà lãnh đạo đối lập, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng (IAEA) Mohamed ElBaradei và các nhà lãnh đạo đối lập khác cũng kêu gọi quân đội đối thoại với Tổng thống Morsi càng sớm càng tốt.
Liên quan đến tình hình Ai Cập, ngày 7/8, Tổng thống lâm thời nước này Adly Mansour đã thông qua sắc lệnh ấn định thời điểm bầu cử Quốc hội vào đầu năm 2014.
Theo nội dung sắc lệnh, giai đoạn chuyển tiếp sẽ kéo dài sáu tháng, trong đó có năm tháng sửa đổi dự thảo Hiến pháp do phe Hồi giáo soạn thảo và tiến hành thông qua bằng hình thức trưng cầu dân ý, và một tháng để tổ chức bầu cử Quốc hội. Như vậy, cuộc bầu cử Quốc hội sẽ có thể được tiến hành vào trung tuần tháng 2 năm sau và Quốc hội mới có thời hạn một tuần để ấn định thời điểm tổ chức bầu cử Tổng thống./.