Cải tổ Quỹ Tiền tệ quốc tế
Mục tiêu của chương trình là đưa tổ chức này trở nên đại diện hơn và có khả năng giải quyết tốt hơn các vấn đề kinh tế mà thế giới và các quốc gia liên kết đang phải đối mặt.
Một trong những vấn đề chính được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thường niên Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) năm 2010 tổ chức tại Washington D.C., Hoa Kỳ, là chương trình cải cách chính sách của IMF.
Sau đây là 6 nội dung cải cách cơ bản mà Ông Dominique Strauss-Kahn, Giám đốc điều hành IMF, đã báo cáo tới Ủy ban Tài chính tiền tệ quốc tế (IMFC) – tổ chức tư vấn cho các Thống đốc tại IMF – trước khi cuộc họp chính thức được tiến hành.
Theo Ông Dominique Strauss-Kahn, để xác định những cải cách trọng tâm của IMF, các nhà thành viên trong ban điều hành cần dựa trên bối cảnh kinh tế toàn cầu với những đặc điểm sau: (i) phục hồi kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu, nhưng nó vẫn còn mong manh và không đồng đều, đi cùng với tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao; (ii) nhiều quốc gia đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề như gánh nặng nợ cao, tỷ lệ tăng trưởng thấp và lĩnh vực tài chính vẫn còn mong manh. Trong khi đó, hoạt động kinh tế tại nhiều nước mới nổi đã có sự phát triển khả quan, thu hút các dòng vốn lớn, nhưng cũng tạo ra thách thức đối với các chính sách kinh tế của họ; (iii) các cải cách quan trọng đã được thực hiện (như thỏa thuận mới đạt được của basel 3) để làm cho các khu vực tài chính trở nên an toàn hơn trên toàn thế giới, tuy nhiên vẫn còn nhiều chương trình chưa hoàn thành, nhất là những cải cách về hoạt động tài chính xuyên quốc gia và quy định bảo đảm an toàn vĩ mô.
Trước bối cảnh đó, Giám đốc điều hành IMF đã nêu ra 6 lĩnh vực cải cách cơ bản mà IMF cần tập trung thực hiện, như sau:
Thứ nhất là cải cách vai trò của IMF: Dominique Strauss-Kahn nhấn mạnh trong 18 tháng qua IMF đã rất nỗ lực để tìm ra giải pháp cho những yếu kém trong điều hành và hoạt động của IMF được bộc lộ thông qua cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi; qua đó, xác định vai trò của IMF trong việc đối phó với những thách thức và thực tế mới của thế kỷ 21. Hoạt động giám sát của Quỹ đang tiến triển tốt hơn khi hoạt động này đã bao trùm cả các mối liên kết rộng rãi giữa các quốc gia và các khu vực tài chính. Bên cạnh đó, cải cách đối với các công cụ cho vay đã cung cấp tới các thành viên những nguồn tài chính với khối lượng lớn hơn và tốc độ giải ngân nhanh hơn, cũng như sự bảo hiểm cho các quốc gia để chống lại những cú ‘shocks’ trên thị trường. Tất cả những cải cách trên đều hướng tới mục đích xây dựng IMF như là người bảo vệ công bằng và vô tư đối với sự ổn định kinh tế thế giới.
Thứ hai là cải cách trong hạn ngạch và quản trị: Nhu cầu phát triển hai lĩnh vực này ngày càng trở nên cần thiết đối với IMF, nó bao gồm các vấn đề như phân chia trong hạn ngạch cổ phần IMF, mức độ tham gia của bộ trưởng các nước thành viên trong Ban Giám đốc điều hành, kết cấu của Ban Giám đốc điều hành, và thời hạn cuối để thực hiện những cải cách trên. Tuy nhiên, Dominique Strauss-Kahn thừa nhận IMF vẫn chưa có thống nhất cuối cùng về các vấn đề cải cách trong quản trị và phương thức thực hiện chúng.
Thứ ba là cải cách về giám sát: Khủng hoảng vừa qua đã cho thấy rõ những yếu kém trong việc nhận biết và xác định các rủi ro đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu. Sửa chữa yếu kém trên, IMF đã tiếp tục hiện đại hóa công cụ giám sát của mình, tăng cường kỹ năng phân tích cảnh báo sớm để nắm bắt những tác động lan truyền xuyên quốc gia và các mối liên kết tài chính vĩ mô, cũng như các vấn đề về sự bền vững nợ công và khoảng trống của chính sách tài khóa. Những quốc gia có khu vực tài chính đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế thế giới sẽ là đối tượng chịu sự đánh giá về ổn định tài chính theo khuôn khổ FSAP. Đánh giá sẽ được thực hiện 5 năm một lần và là một phần trong kế hoạch giám sát song phương. Thử nghiệm về ‘phân tích tác động lan truyền’ sẽ xem xét các tác động vượt qua biên giới của những chính sách của 5 nền kinh tế lớn (gồm Trung Quốc, khu vực Châu Âu, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ). Phân tích này sẽ được thực hiện dựa trên các cuộc thảo luận về chính sách với chính quyền của quốc gia - nơi xuất phát ra các tác động lan truyền và gây ảnh hưởng tới các quốc gia khác. Bên cạnh đó, IMF cũng sẽ tiếp tục thử nghiệm thực hiện các báo cáo giám sát xuyên quốc gia để có được hiểu biết sâu hơn về tính chất liên kết trong lĩnh vực tài chính, bao gồm cả việc giải quyết những thiếu sót về dữ liệu. Tất cả những cải cách trên sẽ giúp tăng cường công tác giám sát của IMF.
Trong năm tới 2011, IMF sẽ hoàn thiện và công bố Báo cáo Đánh giá về năng lực giám sát của IMF 3 năm một lần. Đây là một cơ hội lớn để các thành viên IMF nghiên cứu và thỏa luận về các vấn đề pháp lý và khuôn khổ chính sách đối với mọi hoạt động giám sát của IMF.
Thứ tư là cải cách về cho vay: Cải cách về cho vay của IMF đã cho thấy tầm quan trọng của các khoản hỗ trợ quy mô lớn đối với những quốc gia dễ bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng. Cải cách về cho vay bắt đầu được nghiên cứu từ đầu năm 2009 và hiện tại IMF đã cải cách chính sách về Hạn ngạch tín dụng linh hoạt (Flexible Credit Line) theo hướng linh hoạt hơn trước nhiều do chính sách mới đã cho phép tăng gấp đôi thời gian sắp xếp khoản vay lên tới 2 năm và bãi bỏ ‘giới hạn ẩn’ (implicit cap) khi tiếp cận khoản vay. IMF cũng đã thông qua Hạn ngạch tín dụng phòng ngừa (Precautionary Credit Line) để cung cấp những biện pháp ngăn ngừa khủng hoảng hiệu quả cho các thành viên. Hạn ngạch tín dụng phòng ngừa được xây dựng dựa trên khuôn khổ chính sách và nguyên tắc cơ bản lành mạnh và có khả năng điều chỉnh tính dễ tổn thương. Trong lúc đó, IMF cũng khảo sát tỉ mỉ các quy định về tăng cường thanh khoản tại những thời điểm xảy ra căng thẳng mang tính hệ thống. Bên cạnh đó, Quỹ cũng cần chắc chắn rằng IMF có đủ nguồn lực để tài trợ cho các khoản tín dụng mà IMF cam kết, trong đó có tính đến việc tăng hạn mức tín dụng đối với các thành viên.
Thứ năm là cải cách Hệ thống tiền tệ quốc tế (IMS): IMF có trách nhiệm đảm bảo sự hoạt động hiệu quả của hệ thống tiền tệ quốc tế. Thực tế cho thấy sự căng thẳng và rủi ro ngày càng tăng cao cùng với các hoạt động của IMS, được bộc lộ thông qua các khoản dự trữ chính thức số lượng lớn, sự thiếu cân bằng trên toàn cầu một cách liên tục, tính không ổn định của dòng vốn và chế độ tỷ giá. Trong khi vẫn chưa có được những giải pháp tổng thể, đã có các cải cách về dự trữ tối thiểu, các dòng chảy vốn và mở rộng vai trò của quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Giám đốc điều hành IMF hy vọng rằng những nỗ lực trên sẽ đóng góp lớn cho sự ổn định hệ thống tiền tệ quốc tế.
Cuối cùng là cải cách đối với những nước thu nhập thấp: IMF cam kết sẽ hỗ trợ cho những nước thu nhập thấp trong những trường hợp môi trường kinh tế thế giới không ổn định. Trong cuộc họp IMF vào đầu năm 2010, các thành viên IMF đã đưa ra cam kết thành lập Quỹ giảm nợ sau thảm họa. Trong thời gian tới, IMF sẽ chú trọng đến những chính sách để thoát khỏi khủng hoảng, xây dựng lại các khoản dự phòng, và thúc đẩy quá trình giảm nghèo. IMF cũng tăng cường nỗ lực huy động nguồn vốn từ những nước thành viên để hoàn thiện gói cải cách tài chính trong việc giúp đỡ những đối tượng ưu đãi của Quỹ. Quỹ cũng đang xây dựng và phát triển kế hoạch giúp các nước thu nhập thấp đối phó với tính dễ bị tổn thương. Ngoài ra, IMF đang phối hợp với các nước phát triển để trợ giúp cho những nước thu nhập thấp trong việc thực hiện các chính sách một cách lành mạnh, thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng, và tằng cường hỗ trợ cho các nước ‘dễ vỡ’.