Campuchia khẳng định cam kết vì hòa bình thông qua hội nghị quốc tế về bom mìn
VOV.VN - Tối qua (29/11), Hội nghị kiểm điểm lần thứ 5 Công ước cấm mìn sát thương (Công ước Ottawa), đã bế mạc tại thành phố Siem Reap, Vương quốc Campuchia, với cam kết mạnh mẽ từ đất nước Chùa Tháp về việc thể hiện vai trò dẫn dắt trong các nỗ lực quốc tế về giải quyết hậu quả của bom mìn.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị kiểm điểm lần thứ 5 Công ước Ottawa, diễn ra từ ngày 25-29/11 Siem Reap, Bộ trưởng cấp cao Campuchia phụ trách các công tác đặc biệt kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Cơ quan Quản lý hành động bom mìn và Hỗ trợ nạn nhân bom mìn của Campuchia (CMAA) Ly Thuch nhấn mạnh, hội nghị thể hiện mạnh mẽ của lãnh đạo nước này đối với hòa bình và an toàn cho tất cả mọi người trong vấn đề mìn sát thương.
Bộ trưởng cấp cao Ly Thuch nêu rõ: "Hội nghị thượng đỉnh này đã phản ánh cam kết không ngừng của Campuchia đối với hoạt động phòng chống bom mìn và sự chuyển đổi từ một quốc gia bị ảnh hưởng bởi bom mìn thành một nước đi đầu toàn cầu (về chống bom mìn). Hội nghị đã đoàn kết các quốc gia, tổ chức và cá nhân trong tầm nhìn chung về một thế giới không có bom mìn".
Ông Ly Thuch cho biết việc thông qua các tài liệu quan trọng, bao gồm Kế hoạch hành động Siem Reap-Angkor, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình chung hướng tới xây dựng cộng đồng an toàn hơn và tạo ra một tương lai mà không ai phải sống trong sợ hãi vì bom mìn.
Hội nghị thượng đỉnh Siem Reap-Angkor về một thế giới không có bom mìn đã thu hút tổng cộng 978 người tham gia, bao gồm các đại biểu từ 106 quốc gia trên khắp thế giới và 58 tổ chức, cùng 212 nhà báo. Bộ Ngoại giao Việt Nam cử đại diện tham dự hội nghị.
Các đại biểu quốc tế đã chúc mừng Campuchia đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng này, đánh giá cao những tiến bộ đầy cảm hứng của Campuchia trong việc xóa bỏ mối đe dọa về bom mìn, bao gồm việc chia sẻ kinh nghiệm của mình và cử các chuyên gia rà phá bom mìn tới các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet mới đây cho biết, nước này vẫn còn đến 1.700 km2 diện tích bị ô nhiễm bom mìn và vật liệu chưa nổ, ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 1 triệu người dân. Campuchia đặt mục tiêu sẽ xóa sạch ô nhiễm bom mìn còn lại vào năm 2025.